EU ưu tiên triển khai gói phục hồi kinh tế hậu COVID-19

13:25' - 09/09/2020
BNEWS Các quan chức cấp cao của Ủy ban châu Âu (EC) ngày 8/9 cho rằng sau đại dịch COVID-19, EU cần ưu tiên triển khai gói khôi phục kinh tế đã được các nhà lãnh đạo liên minh này chấp thuận.

Đồng thời cần đảm bảo gói hỗ trợ này sẽ mang lại lợi ích tối đa cho những người dân bị ảnh hưởng đại dịch. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Brussels thường niên, Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis và Ủy viên phụ trách kinh tế của EU Paolo Gentiloni đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khôi phục nền kinh tế vì những thế hệ tương lai. 

Phó Chủ tịch Dombrovskis nêu rõ châu Âu cần phục hồi kinh tế mạnh mẽ và toàn diện. Đây cũng chính là mục tiêu trong gói khôi phục kinh tế của EU được xem là "con thuyền vượt qua mọi vùng biển động và đưa liên minh này băng qua cơn bão (COVID-19)". Gói khôi phục kinh tế có tổng giá trị 1.850 tỷ euro (tương đương 2.178 tỷ USD) hướng tới việc hỗ trợ tài chính để triển khai các biện pháp nhằm giúp các nền kinh tế thành viên EU tăng khả năng phục hồi sau hàng loạt tác động do đại dịch. 

Ông Dombrovskis nhấn mạnh châu Âu đang đứng trước ngưỡng cửa thay đổi và thách thức là phải đảm bảo rằng "con thuyền khôi phục nền kinh tế của chúng ta cần giương buồm ra khơi càng sớm càng tốt. Đây là thời điểm hướng về phía trước, không phải lúc nhìn lại phía sau." 

Về phần mình, Ủy viên Gentiloni đề cập tới cách thức châu Âu thực hiện vai trò dẫn dắt trong việc ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19. Theo ông, đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nhưng vai trò lãnh đạo của EU là hoàn toàn cần thiết.     

Ông Gentiloni cũng cho rằng các nước thành viên EU dự kiến thực hiện kế hoạch khôi phục kinh tế sẽ phải tuân thủ các mục tiêu xã hội và các mục tiêu "xanh" của EU, do 37% nguồn ngân sách trong kế hoạch khôi phục kinh tế của từng quốc gia được dành cho các sáng kiến về môi trường và khí hậu. 

Với vai trò chủ trì diễn đàn lần này, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cũng đã bày tỏ quan điểm ủng hộ các ý kiến nêu trên. 

Dù thừa nhận rằng các nhà lãnh đạo EU có nhiều ý kiến khác nhau về việc triển khai các biện pháp và liên minh này vấp phải sự chỉ trích vì phản ứng chậm trễ trong giai đoạn đầu của đại dịch, nhưng ông Michel nhấn mạnh rằng so với cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, ở cuộc khủng hoảng y tế này, châu Âu đã đưa ra các quyết sách mang tính quyết đoán và nhanh chóng hơn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục