EU xác định mục tiêu và nhiệm vụ trong đàm phán Brexit

05:30' - 02/06/2017
BNEWS Liên minh châu Âu mong muốn cuộc chia tay của nước Anh với EU và Cộng đồng năng lượng nguyên tử châu Âu (Euratom) sẽ diễn ra êm đẹp và phù hợp với nguyện vọng của cả hai phía.
EU xác định mục tiêu và nhiệm vụ trong đàm phán Brexit. Ảnh: truewealthpublishing.asia

Liên minh châu Âu (EU) ngày 22/5 đã thông qua "các chỉ thị đàm phán" về việc Anh rút khỏi EU (còn gọi là Brexit) và trao cho ông Michel Barnier nhiệm vụ Trưởng đoàn đàm phán với Anh. Các nội dung chính của các chỉ thị do EU đưa ra được nêu chi tiết trong một tài liệu gồm 46 điểm.

Mục tiêu chính của EU là đạt được thỏa thuận liên quan đến quá trình ra đi của nước Anh có tính đến việc định hình mối quan hệ tương lai giữa đảo quốc này với tổ chức mà họ từng là thành viên. EU mong muốn cuộc chia tay của nước Anh với EU và Cộng đồng năng lượng nguyên tử châu Âu (Euratom) sẽ diễn ra êm đẹp và phù hợp với nguyện vọng của cả hai phía.

Các chỉ thị đàm phán sẽ có thể được 27 nước sửa đổi, bổ sung tùy thuộc vào diễn biến tiến trình thương lượng với phía Anh. Ủy ban châu Âu (EC) sẽ phối hợp cùng với Hội đồng châu Âu - cơ quan đại diện cho toàn thể các nước thành viên EU, trong quá trình thực hiện tiến trình đàm phán.

Theo dự kiến, thỏa thuận sẽ xác định ngày Anh chính thức rời khỏi châu Âu là 00h00 ngày 30/3/2019, tức là 2 năm sau ngày Thủ tướng Anh, bà Theresa May gửi thư thông báo cho EU về Brexit, trừ trường hợp hai bên thống nhất kéo dài quá trình đàm phán.

27 nước EU đã nhất trí rằng các cuộc đàm phán sẽ diễn ra theo từng giai đoạn, trong khi phía Anh lại bày tỏ mong muốn bắt đầu đàm phán về một Hiệp định tự do thương mại một cách nhanh nhất có thể.

EU vẫn kiên quyết quan điểm cho rằng chỉ sau khi đạt được các tiến bộ rõ rệt trong đàm phán về ba ưu tiên hàng đầu mà tổ chức này đã xác định thì lúc đó các cuộc đàm phán về bản chất tương lai mối quan hệ giữa hai bên mới có thể mở ra.

Về phần mình, Trưởng đoàn đàm phán của EU Michel Barnier bày tỏ hy vọng giai đoạn 2 của tiến tình đàm phán có thể bắt đầu vào cuối năm nay.

EU đặt quyền công dân vào vị trí ưu tiên số 1, bao gồm cả công dân EU ở Anh cũng như công dân Anh sinh sống tại EU. Liên minh này bảo vệ quan điểm muốn giữ nguyên các quyền của công dân đã được xác định theo luật của EU.

Các nước EU đã đưa ra mục tiêu cần đạt được bao gồm quyền cư trú vĩnh viễn cho các công dân đã cư trú hợp pháp tối thiểu 5 năm tại một nước của EU cũng như các quyền liên quan đến tự do đi lại, quyền tự do tìm việc làm, quyền tiếp cận các phúc lợi xã hội và các ưu đãi về thuế, quyền được đào tạo, học tập của người lao động cũng như quyền được học hành của các thành viên của gia đình họ.

EU cũng nêu yêu cầu đảm bảo việc thừa nhận về bằng cấp và trình độ đào tạo, nghiệp vụ của người lao động.

EU nêu yêu cầu đảm bảo việc thừa nhận về bằng cấp và trình độ đào tạo, nghiệp vụ của người lao động.Ảnh: Reuters

Vấn đề tất toán các tài khoản, mà thực chất là việc giải quyết các nghĩa vụ tài chính, trong đó bao gồm các cam kết tài chính của nước Anh khi còn là thành viên EU được xem là một trong những vấn đề gai góc nhất trong quá trình đàm phán. Phía Anh cũng đã bày tỏ quan điểm khá cứng rắn đối với nội dung này.

Phía EU muốn nước Anh thanh toán một lần duy nhất cho tất cả những cam kết của mình trong khuôn khổ tài chính nhiều năm của EU hiện nay sẽ kéo dài đến 2020, tức là sau thời hạn dự kiến Brexit 2019, với các thể chế tài chính như Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB), Quỹ phát triển châu Âu và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Theo quan điểm của phía EU, trước tiên các cuộc đàm phán sẽ phải đi đến xác định được một phương thức tính toán thay vì đưa ra một con số cụ thể. Nguyên tắc của EU là Anh phải tôn trọng các cam kết về tài chính của mình được đưa ra khi là thành viên EU. 27 nước cũng yêu cầu phía Anh phải chi trả các chi phí liên quan đến việc nước này rút khỏi EU như kinh phí di chuyển các cơ quan châu Âu hiện đang đóng trên đất Anh.

EU cho rằng thỏa thuận về Brexit cũng sẽ phải đưa ra được cách tính toán cụ thể các khoản mà nước Anh phải trả bằng tiền euro và cùng với đó là một lịch trình thanh toán cụ thể.

Liên quan đến biên giới bên ngoài EU, vấn đề đặt ra chủ yếu đối với trường hợp của Ireland. Đây là một nội dung rất nhạy cảm sau hàng thập kỷ đất nước này chìm trong bạo lực, và ý tưởng quay trở lại với một đường biên giới cứng giữa Cộng hòa Ireland và tỉnh Bắc Ireland của Anh đã bị EU bác bỏ.

Về vấn đề tư pháp, EU muốn thỏa thuận Brexit thiết lập ra một cơ cấu thể chế đảm bảo áp dụng hiệu quả các cam kết được các bên đưa ra.

Liên minh kiên định quan điểm Tòa tư pháp châu Âu là cơ quan có thẩm quyền đối với tất cả các vấn đề phát sinh tại thời điểm Anh rời khỏi EU cũng như đối với các sự kiện chỉ do một bên đưa ra tại thời điểm trước khi tiến trình đàm phán chính thức được bắt đầu.

EU cũng cam kết đảm bảo các cuộc đàm phán minh bạch bằng cách công bố rộng rãi nhất có thể các tài liệu liên quan đến tiến trình này.

>>> Vấn đề Brexit: Anh chỉ trích Chủ tịch EC can thiệp chính trị

>>> Thủ tướng Đức: Tiềm ẩn những xáo trộn vì Brexit

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục