EVN đang tập trung cho các dự án nguồn và lưới điện trọng điểm

16:08' - 07/09/2023
BNEWS Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết đang tập trung cho các dự án nguồn và lưới điện trọng điểm.

*Theo sát tiến độ

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính đến nay, có 3 dự án nguồn điện đang triển khai thi công bao gồm dự án nhà máy thuỷ điện Ialy Mở rộng, Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng, Dự án nhiệt điện Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I.

Đến nay, EVN có 3 dự án đang thi công. Ảnh: TTXVN
Cụ thể, tiến độ thực hiện một số hạng mục của dự án Nhà máy thủy điện Ialy MR như: đào và gia cố đường hầm dẫn nước, bê tông cốt thép giếng điều áp đã vượt tiến độ kế hoạch. Ngày 14/8/2023 đã hoàn thành thi công bê tông và đóng cửa van sửa chữa cửa nhận nước (sớm 4 tháng so với tiến độ hợp đồng).

Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng đang tập trung thi công các hạng mục công trình chính, trong đó tiếp tục phối hợp nhà thầu lập biện pháp xử lý để thi công cửa nhận nước.

Dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I đã thi công phần cọc khoan nhồi, móng lò hơi TM1, ống khói đạt 100%; cọc PHC đạt 42%; các móng lò hơi TM2 đạt 50%, móng hệ thống xử lý nước đạt 30%. Ngày 10/8/2023, dự án này đã được ký kết hợp đồng gói thầu bảo hiểm thi công xây dựng công trình chính. EVN đang hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh báo cáo nghiên cứu kỹ thuật để trình Bộ Công Thương thẩm định.

Song song với đó, EVN cũng đang triển khai các thủ tục đầu tư đối với dự án Nhà máy thủy điện Trị An MR (đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án), Dự án thủy điện tích năng Bác Ái và Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch II. Đồng thời hoàn thiện nốt công tác bàn giao các dự án Nhà máy điện Ô Môn III, IV về cho Tập đoàn dầu khí Việt Nam.

Đối với các dự án lưới điện, trong 8 tháng đầu năm, EVN và các đơn vị hoàn thành 60 dự án lưới điện 110-500kV, trong đó có các dự án quan trọng như: nâng công suất trạm biến áp 500kV Quảng Ninh, đường dây 220kV Nậm Mô-Tương Dương, Trạm cắt 220kV Bờ Y, nâng công suất trạm 220kV Nhà máy thủy điện Trị An, trạm 220kV Lạng Sơn và đường dây 220kV Bắc Giang - Lạng Sơn, đường dây 220kV đấu nối trạm 220kV Bắc Quang, Nâng khả năng tải các đường dây 220kV Hà Đông-Thường Tín, Sơn La-Việt Trì, đường dây 110kV đấu nối LSP Long Sơn…

Bên cạnh đó, EVN cũng đang tích cực triển khai các công trình lưới điện đồng bộ các nguồn điện như Nhiệt điện Sông Hậu 1, Nhơn Trạch 3&4…; Các công trình phục vụ giải tỏa các nguồn điện năng lượng tái tạo; Các công trình giải tỏa công suất các nhà máy thủy điện nhỏ khu vực phía Bắc; các công trình tăng cường nhập khẩu điện từ Lào.

Đối với 4 dự án thành phần của đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối, EVN cũng đang nỗ lực chạy đua tiến độ. Trong đó, các đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu và đường dây 500kV Quỳnh Lưu - Thanh Hoá: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành thẩm định và đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án.

Các đường dây 500kV Nam Định 1 - Thanh Hoá và 500kV Nam Định 1 – Phố Nối đã trình bổ sung phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư do phải điều chỉnh tuyến theo yêu cầu của địa phương và cập nhật dự toán chi phí theo quy định hiện hành. Bộ KH&ĐT đang lấy ý kiến các Bộ ban ngành và UBND các tỉnh để thẩm định hồ sơ chủ trương đầu tư các dự án.
 

*Nhiều vướng mắc về mặt bằng

Cũng theo báo cáo của EVN, hiện vẫn còn một số khó khăn liên quan đến việc triển khai các dự án nguồn và lưới điện.

Cụ thể, đối với nguồn điện, hiện công tác giải phóng mặt bằng Nhiệt điện Quảng Trạch I vẫn còn một số vướng mắc tại khu vực trạm bơm nước làm mát, tuyến ống nước ngọt, bãi thải xỉ; Dự án Nhà máy thủy điện Hoà Bình mở rộng tiến độ thi công bị ảnh hưởng do gặp địa chất phức tạp; Các dự án nhiệt điện Dung Quất I & III chưa thể triển khai các bước tiếp theo do chưa xác định tiến độ khí Cá Voi xanh.

Đối với các dự án lưới điện, bên cạnh những khó khăn, vướng mắc trong thỏa thuận hướng tuyến, công tác đền bù giải phóng mặt bằng, chuyển đổi đất rừng,... còn có phát sinh mới như sau:

Việc áp dụng tiêu chuẩn mới (TCVN 2737:2023) trong công tác thiết kế có thể làm tăng tổng mức đầu tư lên đến ~20% dẫn đến việc phải điều chỉnh lại Chủ trương đầu tư hoặc phê duyệt lại FS dự án.

Về công tác đấu thầu mua sắm thiết bị phải thực hiện đấu thầu nội khối mua sắm vật tư thiết bị theo quy định tại Nghị định 90/2022/NĐ-CP, giá nguyên vật liệu tăng cao trong khi đơn giá ban hành của nhà nước chưa theo kịp nên một số gói thầu phải thực hiện xử lý tình huống hoặc hủy thầu do vượt dự toán gói thầu (cá biệt có những nhà thầu trúng thầu, nhưng chấp nhận bị tịch thu bảo đảm dự thầu và không ký hợp đồng).

Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh đối với một số địa phương. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án đang gặp một số khó khăn, do danh mục các dự án điện chưa đầy đủ, rõ ràng và một số trường hợp còn sai khác với Quy hoạch điện VIII...

Vì vậy, UBND các tỉnh cần chỉ đạo các sở, ban, ngành rà soát, ban hành (có xác nhận của cấp có thẩm quyền) các Hồ sơ Quy hoạch tích hợp đi kèm quyết định của Thủ tướng Chính phủ (được xem là bộ phận cấu thành quyết định), bao gồm phương án phát triển mạng lưới cấp điện để có danh mục chi tiết phát triển lưới điện 110kV và định hướng/quy mô lưới điện trung hạ áp…

Để tiếp tục tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện đầu tư các dự án điện, đảm bảo cấp điện trong thời gian tới, Tập đoàn này cũng kiến nghị Bộ Công Thương sớm hoàn thành các cơ chế về năng lượng tái tạo; sớm hoàn thành công tác thẩm định kỹ thuật một số dự án; kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng dự án Đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên và mở rộng ngăn lộ 500kV tại trạm 500kV Vĩnh Yên.

Đồng thời, EVN kiến nghị các địa phương tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ giải quyết các vướng mắc liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và bồi thường giải phóng mặt bằng để thúc đẩy tiến độ các công trình điện./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục