EVN hoàn thành khối lượng đầu tư chiếm 7,9% tổng đầu tư toàn xã hội

08:52' - 06/01/2018
BNEWS Năm 2017, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã hoàn thành khối lượng đầu tư với tổng giá trị 130.934 tỷ đồng, bằng 7,9% tổng đầu tư toàn xã hội.
EVN hoàn thành khối lượng đầu tư chiếm 7,9% tổng đầu tư toàn xã hội. Ảnh minh họa: TTXVN
Nhờ tiếp tục duy trì tốc độ đầu tư cao nên công suất nguồn điện đưa vào phát điện trong năm đã vượt 34% kế hoạch và nhiều công trình lưới điện quan trọng được đưa vào vận hành, tăng năng lực cấp điện Quốc gia 

Theo đó, về nguồn điện, EVN cho biết, Tập đoàn đã hoàn thành đưa vào phát điện 9 tổ máy với tổng công suất 2.135 MW, cao hơn 500 MW so với kế hoạch, gồm: Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (1.200 MW), Nhiệt điện Thái Bình (600 MW), Thủy điện Trung Sơn (260 MW), Thủy điện Thác Mơ MR (75 MW). Riêng các dự án nguồn điện cấp bách cấp điện cho miền Nam tại các Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải và các dự án trọng điểm khác cơ bản bám sát mục tiêu tiến độ. 

Đối với Trung tâm điện lực Quảng Trạch, EVN đã phê duyệt điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1 và dự án cơ sở hạ tầng. Đồng thời trình Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (PreFS) các dự án Thủy điện Hòa Bình Mở rộng, Thủy điện Ialy Mở rộng, Nhiệt điện Ô Môn 3, Nhiệt điện Ô Môn 4, dự án điện mặt trời Phước Thái 2 và 3. Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng đang khẩn trương thực hiện các dự án nguồn điện mới được giao tại các Trung tâm điện lực Tân Phước, Dung Quất... 

Mặt khác trong năm, Tập đoàn và các đơn vị còn tích cực tham gia đầu tư phát triển 23 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất gần 2.000 MW. 

Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về dừng chủ trương đầu tư các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, EVN đã cơ bản hoàn thành thanh lý các hợp đồng kinh tế, bàn giao đưa vào sử dụng các hạng mục công trình đã hoàn thành, sắp xếp bố trí công việc cho CBCNV của Ban Quản lý dự án (QLDA) và các nhân sự được đào tạo tại nước ngoài. 

Về đầu tư lưới điện, trong năm qua, EVN đã hoàn thành 239 công trình lưới điện với tổng khối lượng gần 2.160 km đường dây và công suất trạm biến áp (TBA) trên 15.500 MVA. Trong đó có nhiều dự án trọng điểm đảm bảo cấp điện miền Nam; đấu nối, giải toả công suất các nguồn điện, các công trình cấp điện cho thành phố Hà Nội và cho khu kinh tế trọng điểm miền Bắc. Đồng thời khởi công xây dựng được 243 công trình lưới điện. 

Việc đầu tư cấp điện cho nông thôn, miền núi, hải đảo tiếp tục được EVN chú trọng, đặc biệt khu vực chưa có điện. Đến cuối năm 2017, số xã có điện trên cả nước đạt 99,98% và số hộ dân nông thôn được sử dụng điện đạt 98,83%. EVN đã đảm nhận cấp điện cho 11/12 huyện đảo trên cả nước; trong đó năm 2017, EVN đã tiếp nhận quản lý cấp điện các huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) và Cồn Cỏ (Quảng Trị). 

Để hoàn thành các dự án đúng tiến độ, theo ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN, năm 2017, Tập đoàn và các đơn vị đã đảm bảo đủ vốn đầu tư theo kế hoạch năm. Cụ thể, Tập đoàn đã trình Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đăng ký vay vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài giai đoạn 2016-2020, đồng thời đã tích cực làm việc với các ngân hàng, tổ chức tài chính để thu xếp vốn cho các dự án điện mới. 

Để chủ động trong việc huy động vốn vay nước ngoài các năm tiếp theo, Tập đoàn còn phối hợp với tư vấn của Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá hệ số tín nhiệm tín dụng của EVN để thu xếp vốn không có bảo lãnh của Chính phủ. 

Mặc dù vậy, theo đánh giá của EVN, tiến độ một số dự án nguồn điện bị chậm so với kế hoạch, như: Nhiệt điện Duyên Hải 3 Mở rộng, Nhiệt điện Thái Bình, Thủy điện Sông Bung 2, hay nạo vét cảng than tại các Trung tâm điện lực Duyên Hải, Vĩnh Tân. 

Bên cạnh đó, thời gian thi công một số dự án lưới điện truyền tải bị kéo dài do vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, như: Đường dây 500-220 kV Hiệp Hòa - Đông Anh - Bắc Ninh 2, lưới điện đồng bộ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 và 4, các đường dây 220 kV Bảo Thắng - Yên Bái, Hòa Bình - Tây Hà Nội, nhánh rẽ 220 kV sau trạm 500 kV Phố Nối... 

Trong khi đó, công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án cũng bị kéo dài, như: các bước thẩm định, phê duyệt Chủ trương đầu tư các dự án Nhà máy nhiệt điện Hòa Bình Mở rộng, Ialy Mở rộng, đường dây 500 kV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2.... Một số dự án đang trong giai đoạn thực hiện đầu tư, nhưng thuộc phạm vi điều chỉnh của các văn bản pháp luật mới nên phải thực hiện lại từ giai đoạn chủ trương đầu tư như Nhiệt điện Ô Môn III, IV. Đồng thời, việc lập đề án điều chỉnh qui hoạch địa điểm Trung tâm điện lực Tân Phước còn chậm và chưa đạt yêu cầu đề ra. 

Ngoài ra, việc thu xếp vốn đầu tư cũng gặp nhiều khó khăn liên quan chủ trương tạm dừng cấp bảo lãnh của Chính phủ và các ngân hàng vượt hạn mức cho vay đối với EVN và các đơn vị thành viên. 

Năm nay, EVN đặt mục tiêu tổng giá trị khối lượng đầu tư xây dựng đạt 117.842 tỷ đồng, thấp hơn năm trước. Để đạt mục tiêu này, theo ông Võ Quang Lâm, Tập đoàn sẽ đưa vào phát điện 2 dự án với tổng công suất 760 MW gồm: Nhiệt điện Duyên Hải 3 Mở rộng (660 MW) và Thủy điện Sông Bung 2 (100 MW). Đồng thời khởi công các dự án: Nhiệt điện Quảng Trạch I và dự án điện mặt trời Phước Thái 1. 

Cùng với việc đảm bảo tiến độ thi công dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 Mở rộng, Thủy điện Đa Nhim Mở rộng đáp ứng mục tiêu đưa vào phát điện năm 2019, EVN cũng đẩy nhanh thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng 4 dự án dự kiến khởi công vào năm 2019, gồm: Thủy điện Ialy Mở rộng, Hòa Bình Mở rộng, Nhiệt điện Ô Môn 3 và 4. 

Đồng thời, Tập đoàn tiếp tục triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án Thủy điện Trị An Mở rộng, Nhiệt điện Quảng Trạch II, các dự án tại các Trung tâm điện lực Dung Quất, Tân Phước. Đặc biệt, tiếp tục thực hiện đầy đủ các giải pháp đảm bảo môi trường tại các nhà máy điện theo quy định, đặc biệt tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân và Duyên Hải, Nhiệt điện Mông Dương 1. 

Ngoài ra, trong năm 2018, EVN còn hoàn thành và đưa vào vận hành 287 công trình lưới điện từ 110-500 kV; khởi công 252 công trình lưới điện 110-500 kV. Đồng thời triển khai thi công các dự án cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo phù hợp với phân bổ vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch 2018. 

Để hoàn thành kế hoạch đầu tư trên, Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho rằng EVN sẽ hoàn thiện hệ thống quy định quản lý nội bộ từng cấp có liên quan đến quản lý đầu tư xây dựng. Chuẩn hóa các quy trình thực hiện từng công đoạn trong quản lý đầu tư, quy định cụ thể trách nhiệm từng cá nhân được giao nhiệm vụ. 

Mặt khác, EVN tiếp tục kiện toàn, củng cố các Ban QLDA, bố trí đủ cán bộ quản lý, giám sát đối với từng lĩnh vực. Các Ban QLDA xây dựng kế hoạch tiến độ thi công, đảm bảo nhân lực, thiết bị thi công… đôn đốc và giám sát chặt chẽ các nhà thầu. Đồng thời tổ chức giao ban thường xuyên để điều hành, quản lý tiến độ, chất lượng và giải quyết kịp thời các phát sinh. Giám đốc Ban QLDA có trách nhiệm trực tiếp phụ trách công tác giải phóng mặt bằng của các dự án. 

Ngoài ra, EVN còn cân đối nguồn vốn đầu tư đảm bảo đủ vốn cho các công trình, đặc biệt các công trình trọng điểm, các công trình phải hoàn thành trong năm./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục