EVN kiến nghị nhiều giải pháp đảm bảo an ninh cung cấp điện

08:28' - 24/09/2022
BNEWS Kết quả tính toán cho thấy, giai đoạn 2023 - 2030, hệ thống điện khu vực miền Bắc có thể gặp nhiều thách thức vào một số giờ cao điểm khi thời tiết nắng nóng cực đoan, cần các giải pháp cấp bách.

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Ngô Sơn Hải cho biết, trong thời gian qua, EVN đã nỗ lực đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân; đảm bảo cân bằng tài chính, sản xuất kinh doanh có lợi nhuận, vượt qua khó khăn trong điều kiện chi phí đầu vào tăng cao; thu xếp vốn đáp ứng đầy đủ nhu cầu đầu tư xây dựng; thực hiện đầu tư các công trình nguồn điện và lưới điện theo kế hoạch.

Tuy vậy, để đảm bảo cung cấp điện, Tập đoàn đang vướng phải nhiều khó khăn.

 

Theo EVN, năm 2022 EVN đang gặp khó khăn rất lớn vì mức tăng đột biến giá nhiên liệu thế giới kể từ đầu năm. Mặc dù EVN đã và đang nỗ lực tiết kiệm chi phí, huy động tối ưu các nguồn điện…, nhưng khó có thể thể bù đắp được chi phí mua điện tăng cao so với kế hoạch đầu năm.

Bên cạnh đó, về cân đối cung cầu điện giai đoạn 2023-2025, có xét đến năm 2030, căn cứ định hướng dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, EVN đã thực hiện tính toán trên cơ sở dự báo nhu cầu điện tiếp tục tăng cao.

Trong đó, giai đoạn 2021-2025 tăng bình quân 8,9%/năm, giai đoạn 2026-2030 tăng 7,8%/năm. Tương ứng, năm 2025 điện thương phẩm đạt 307,5 tỷ kWh, điện sản xuất và mua toàn hệ thống đạt 334,7 tỷ kWh; năm 2030 điện thương phẩm đạt 448 tỷ kWh, điện sản xuất và mua toàn hệ thống đạt 485,9 tỷ kWh.

Kết quả tính toán cho thấy, giai đoạn 2023 - 2030, hệ thống điện khu vực miền Bắc có thể gặp nhiều thách thức vào một số giờ cao điểm khi thời tiết nắng nóng cực đoan, cần các giải pháp cấp bách để bổ sung nguồn cung trong các năm tới.

Liên quan đến vận hành hệ thống điện, EVN cho biết còn nhiều thách thức do việc phát triển không đồng đều giữa nguồn điện năng lượng tái tạo và lưới điện truyền tải; việc thu xếp đủ vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư trong bối cảnh nhu cầu đầu tư vào ngành điện cần trung bình 13 tỷ USD/năm cho giai đoạn 2021-2030; đầu tư xây dựng các dự án điện nói chung trong thời gian qua gặp khó khăn về thủ tục đầu tư và đặc biệt là bồi thường, đền bù, giải phóng mặt bằng, chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng…

Cũng theo báo cáo của EVN, giai đoạn 2021-2025, sản lượng điện sản xuất từ các nhà máy điện của EVN và 3 tổng công ty phát điện trực thuộc sẽ giảm dần, chỉ còn chiếm 40-45% so với tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống.

Để đảm bảo cung ứng điện toàn quốc, ngoài nỗ lực của EVN còn phụ thuộc nhiều vào hoạt động sản xuất điện của các nhà máy điện ngoài EVN. Do đó, EVN kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các dự án nguồn điện ngoài EVN đảm bảo đúng tiến độ và các nhà máy ngoài EVN vận hành ổn định, tin cậy.

Bên cạnh đó, EVN đề xuất có cơ chế để tư nhân đầu tư các hệ thống pin tích trữ năng lượng với quy mô công suất phù hợp (khoảng 20-25% công suất) tại các nhà máy điện gió, mặt trời để duy trì vận hành công suất ổn định cho các nhà máy này, hạn chế quá tải cục bộ lưới điện.

Về nguồn nhiên liệu cho sản xuất điện, EVN kiến nghị Chính phủ chỉ đạo và tạo điều kiện để các đơn vị khai thác than trong nước phát triển thêm các mỏ than mới, để tăng thêm khối lượng than sản xuất trong nước cung cấp cho phát điện, đồng thời duy trì và giữ ổn định giá than bán cho sản xuất điện.

Đối với các nguồn năng lượng tái tạo, tiếp tục có cơ chế phát triển với tỷ lệ, quy mô công suất phù hợp với tiềm năng tự nhiên, khả năng đáp ứng của hạ tầng lưới điện theo từng khu vực và giá thành điện năng hợp lý. Bên cạnh đó, tăng cường nhập khẩu điện từ các nước láng giềng để đa dạng hóa nguồn năng lượng nhập khẩu.

Để đảm bảo cân đối tài chính, EVN đề nghị cho phép điều chỉnh giá bán lẻ điện một cách kịp thời theo đúng quy định của Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở các thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện tác động trực tiếp đến chi phí mua điện mà đơn vị điện lực không có khả năng kiểm soát, bao gồm giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ, cơ cấu sản lượng điện phát và chi phí mua điện trên thị trường điện.

Về thu xếp vốn, EVN kiến nghị Chính phủ có cơ chế về thu xếp vốn và bảo lãnh vốn vay cho EVN và các tập đoàn kinh tế nhà nước để đầu tư các dự án nguồn, lưới điện trọng điểm theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia; cho phép EVN được trực tiếp vay vốn nước ngoài theo phương thức tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ cho bên vay nước ngoài theo đúng các điều kiện đã cam kết trong các thỏa thuận vay, không giới hạn giá trị khoản vay ở mức dự án nhóm B…

EVN cũng kiến nghị Chính phủ giao các tập đoàn kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo về năng lượng; trong đó giao EVN đầu tư các dự án nguồn điện trọng điểm quốc gia, nguồn điện đa mục tiêu, lưới điện truyền tải đường trục, xương sống, cấp điện cho phụ tải, an sinh xã hội… để EVN có đủ thời gian chuẩn bị và thực hiện, tăng tỷ lệ nguồn điện của EVN để đảm bảo vai trò, nhiệm vụ được giao./.

>>EVN kiến nghị cho phép các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp tham gia thị trường điện

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục