EVN phát triển hệ thống tích trữ năng lượng

11:42' - 05/09/2018
BNEWS Hỗ trợ kỹ thuật này sẽ là lời giải cho những khó khăn, thách thức của hệ thống điện Việt Nam trước sự bùng nổ phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian tới.
Ký kết thỏa thuận tài trợ dự án hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu phát triển hệ thống tích trữ năng lượng tại Việt Nam. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Ngày 5/9, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã cùng với Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ (USTDA) ký kết Thỏa thuận tài trợ dự án hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu phát triển hệ thống tích trữ năng lượng tại Việt Nam.

Dự án Nghiên cứu phát triển hệ thống tích trữ năng lượng tại Việt Nam đã được Bộ Công Thương phê duyệt theo quy định, cho phép EVN tiếp nhận nguồn tài trợ không hoàn lại từ USTDA trị giá hơn 755.000 USD để thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật.

Dự án hỗ trợ này được kỳ vọng sẽ cung cấp cho ngành điện Việt Nam nói chung và Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói riêng đánh giá tổng thể các vấn đề hiện nay của Hệ thống điện Việt Nam, bao gồm các vấn đề liên quan tới ổn định hệ thống, những khó khăn trong công tác lập kế hoạch điều độ và vận hành hệ thống điện khi có tỷ trọng lớn các nguồn điện tái tạo, tính toán nhu cầu và huy động các loại hình dịch vụ phụ trợ khi có các thiết bị tích trữ năng lượng trong hệ thống.

Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030 với tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2025, hệ thống điện Việt Nam sẽ có khoảng 6.000MW điện mặt trời và đến năm 2030 sẽ có khoảng 12.000 MW điện mặt trời kết nối lưới và vận hành.

Với chính sách hỗ trợ giá điện mặt trời, điện gió và các dạng năng lượng tái tạo khác đã được ban hành, trong thời gian tới, sự phát triển bùng nổ về năng lượng tái tạo của Việt Nam, đặc biệt là năng lượng mặt trời đặt ra những thách thức lớn trong điều hành hệ thống điện.

Theo ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ngay từ lúc này, hệ thống điện Việt Nam cần được chuẩn bị đầy đủ và toàn diện về tiêu chuẩn kỹ thuật, các quy định liên quan, quy trình vận hành nhằm huy động hiệu quả tối ưu các nguồn năng lượng mới sẽ kết nối lưới trong tương lai không xa.

“Các kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong lĩnh vực tích trữ năng lượng sẽ là những kinh nghiệm phát triển quý cho Việt Nam; đồng thời cũng là tiềm năng hợp tác trong tương lai của ngành công nghiệp năng lượng hai nước”.

Ông Dương Quang Thành cũng cho hay, hỗ trợ kỹ thuật của USTDA đáp ứng sự cần thiết và là lời giải cho những khó khăn, thách thức của hệ thống điện Việt Nam trước sự bùng nổ phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian tới.

Đại sứ Daniel Kritenbrink - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng, việc lập kế hoạch dự án và chuẩn bị là rất quan trọng trong việc tạo cơ sở năng lượng bền vững, chất lượng cao.

Thỏa thuận tài trợ này nhằm hỗ trợ nghiên cứu khả thi để phát triển công nghệ tích trữ năng lượng trên toàn mạng lưới của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Các công nghệ tích trữ năng lượng giúp cải thiện sự ổn định mạng lưới điện, khắc phục các thách thức mất cân bằng cung cầu năng lượng mang tính khu vực Bắc - Nam của Việt Nam.

“Cả USTDA và các nhân viên Đại sứ quán chúng tôi cam kết hợp tác và làm đối tác với Việt Nam trong việc đáp ứng các nhu cầu về nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Việt Nam. Điều này bao gồm phát triển công nghệ truyền tải hiện đại, đa dạng hóa các nguồn năng lượng và cải thiện cơ sở hạ tầng về năng lượng”, Đại sứ Daniel Kritenbrink khẳng định.

Thời gian qua, từ Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam và Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ, EVN đã tiếp nhận các hỗ trợ kỹ thuật tiếp nhận công nghệ tiên tiến như các Nghiên cứu xây dựng lộ trình phát triển công nghệ thông tin cho Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia được ký năm 2013, và Tổng công ty Điện lực miền Trung ký năm 2016. Gần đây, Nghiên cứu khả thi nhà máy điện gió Tân Thuận mới được ký kết năm 2017...

Bên cạnh đó, nhiều đoàn công tác trao đổi thương mại hai chiều giữa hai bên được triển khai với các nội dung như phát triển lưới điện thông minh, nâng cao hiệu suất nhà máy điện, công nghệ sử dụng khí LNG.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục