EVN’s Cloud-bước đi có tính then chốt trong chuyển đổi số của EVN

11:27' - 28/09/2022
BNEWS Xây dựng hệ thống điện toán đám mây nội bộ (EVN’s Cloud) là nội dung quan trọng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi triển khai cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thực hiện nhiệm vụ của EVN giao, từ năm 2021, Công ty Viễn thông điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT) đã bắt đầu triển khai dự án xây dựng hệ thống EVN’ Cloud, tạo nền tảng hạ tầng thống nhất trong Tập đoàn. Theo đó, EVNICT hoàn thành triển khai EVN’s Cloud tại 2 Trung tâm dữ liệu của EVN do EVNICT quản lý vận hành trong năm 2023 đồng thời sẽ chuyển dịch môi trường phát triển phần mềm và một số phần mềm dùng chung của EVN lên môi trường điện toán đám mây.

Theo lộ trình chuyển đổi số, Tập đoàn sẽ mở rộng EVN’s Cloud trong phạm vi toàn EVN để hoàn thành mục tiêu “Một hạ tầng”. Hệ thống EVN’s Cloud sẽ từng bước cung cấp dịch vụ IaaS, PaaS và SaaS tạo nền tảng vững chắc để phát triển, triển khai các phần mềm dùng chung của Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo hướng hiện đại, tối ưu sử dụng hệ thống hạ tầng và rút ngắn thời gian triển khai, cung cấp dịch vụ CNTT cho EVN.

 

Ông Lương Đình Việt, Trưởng phòng Kỹ thuật (EVNICT) cho biết, song song với quá trình triển khai EVN’ Cloud, EVNICT cũng đang nâng cấp và triển khai  các hệ thống phần mềm dùng chung như hệ thống Digital Office, phần mềm quản lý đầu tư xây dựng IMIS 2.0 theo kiến trúc Microservice và các giải pháp công nghệ hiện đại, chuẩn bị cho việc dịch chuyển hoạt động vận hành phần mềm lên môi trường điện toán đám mây.

Theo ông Lương Đình Việt, việc chuyển dịch lên điện toán đám mây không phải bắt nguồn từ xu thế công nghệ mà bắt nguồn từ các lợi ích quản trị và kinh doanh của EVN do điện toán đám mây mang lại. Việc triển khai đóng gói ứng dụng phần mềm trên môi trường điện toán đám mây giúp EVN có thể tiết kiệm 70% thời gian triển khai ứng dụng tương tự trên hạ tầng công nghệ  thông tin phân tán truyền thống; tăng tính tập trung và nhất quán liên thông trong việc triển khai dịch vụ trên một môi trường đồng nhất, tăng cường hiệu quả quản lý, giảm thời gian triển khai và nâng cao hiệu quả vận hành.

Cùng với việc vận hành quản lý hạ tầng tập trung thay vì phân tán, EVN’s Cloud giải quyết gần như triệt để các vấn đề như quy hoạch hạ tầng phân tán, thiếu nhất quán, lãng phí tài nguyên và nguồn lực vận hành, khó kết nối, nâng cao tính sẵn sàng cho dịch vụ; đồng thời giảm thời gian “chết” do kiến trúc điện toán đám mây, đảm bảo khả năng sẵn sàng và an toàn 99,99% cho hệ thống, không có “down-time” (thời gian website ngừng hoạt động) do các cơ chế phân tải, dự phòng (High Avaibility) từ lớp hạ tầng cho đến ứng dụng.
Lợi ích của điện toán đám mây giúp nâng cao khả năng phục hồi sau sự cố công nghệ thông tin viễn thông, cho phép thiết lập các cơ chế dự phòng sao lưu, đảm bảo khả năng phục hồi sau sự cố theo các kịch bản tự động hoặc theo yêu cầu đáp ứng với các tiêu chí khắt khe của các tổ chức kinh doanh trên nền tảng dữ liệu; nâng cao khả năng thích ứng và sáng tạo của doanh nghiệp khi thị trường thay đổi. Vì vậy điện toán đám mây đã giúp EVN xây dựng chiến lược chuyển đổi số với khả năng thích ứng và sáng tạo trong thời đại 4.0 thông qua các ứng dụng đột phá và nguồn dữ liệu quý giá.
Mặt khác, điện toán đám mây còn nâng cao khả năng hoạt động di động, giảm chi phí, tăng cơ hội. Ngoài ra, nâng cao trải nghiệm người dùng dịch vụ, cho phép cung cấp và giám sát trải nghiệm người dùng dịch vụ một cách đồng nhất và tập trung giúp nâng cao khả năng nhận thức, phân tích và phản hồi từ trải nghiệm người dùng, giúp mang tới cho người dùng các tiện ích, trải nghiệm mới hơn, tốt hơn.
Về dự kiến, đối với các cấp độ hạ tầng dịch vụ (IaaS) và nền tảng dịch vụ (PaaS) sẽ đi theo hướng triển khai tập trung cho phép EVN có môi trường đầy đủ và hiện đại để thử nghiệm phát triển, tích hợp và chuyển đổi các ứng dụng phần mềm hiện có theo mô hình truyền thống lên kiến trúc điện toán đám mây.
Ngoài ra môi trường kiểm thử phát triển (TestDev) trên Cloud cũng giúp EVN xây dựng các ứng dụng mới một cách nhanh chóng, đồng bộ và tối ưu chi phí so với cách tổ chức xây dựng phân tán truyền thống.
Đối với cấp độ dịch vụ phần mềm (Software as a Service - SaaS), hệ thống EVN Production Environments được xây dựng tập trung cho phép EVN triển khai các ứng dụng phần mềm theo kiến trúc hiện đại trên nền tảng container/microservices được hầu hết các tập đoàn công nghệ và sản xuất trên thế giới như Google, Microsoft, IBM, AWS, BMW, Borch… sử dụng.
EVN’s Cloud sẽ giúp EVN tối ưu tài nguyên hạ tầng công nghệ thông tin cho phát triển, triển khai phần mềm và sẵn sàng để ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn.
Đối với các ứng dụng mới phát triển sẽ tối đa hoá việc đồng bộ phát triển theo kiến trúc mới này tới toàn bộ các đơn vị thành viên trong EVN./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục