Eximbank có thể chia cổ tức trong năm 2022

14:46' - 15/02/2022
BNEWS Đó là thông tin được Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) Yasuhiro Saitoh cho biết tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 lần 2 tổ chức tại Tp Hồ Chí Minh ngày 15/2.

Sự kiện này được diễn ra sau 3 năm tổ chức bất thành do không đủ túc số tham dự hoặc các cuộc triệu tập bị trì hoãn do dịch COVID-19.

 

Theo ông Yasuhiro Saitoh, năm nay, Eximbank đã thõa mãn điều kiện chia cổ tức sau 9 năm không thực hiện. Cổ tức có thể lên đến 2 con số. Việc chia cổ tức bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu còn tùy thuộc vào sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước. Lần chia cổ tức gần đây nhất của Eximbank là năm 2013, với tỷ lệ 4%.

Trước đó, Eximbank cũng cho biết, tính đến ngày 30/03/2021, ngân hàng này đã thanh toán hết trái phiếu đặc biệt cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC). Do đó, Eximbank đã có văn bản trình Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho Eximbank được chia cổ tức bằng cổ phiếu trong năm 2021.

Kể từ năm 2019 đến nay, đây cũng là kỳ đại hội duy nhất được tổ chức thành công do sự bất đồng giữa các cổ đông lớn. Tại thời điểm chốt danh sách cổ đông, đại hội kỳ này ghi nhận có 126 cổ đông tham dự, nắm giữ trên 1 tỷ cổ phần, tương đương với 85,5% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Các cổ đông cũng thông qua quy chế tiến hành họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 lần thứ 2, với tỷ lệ đồng ý là hơn 60% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết.

“Cuối cùng chúng ta cũng có thể tổ chức đại hội cổ đông sau bao ngày mong đợi. Tôi là chủ tịch ngân hàng có quốc tịch nước ngoài đầu tiên ở Việt Nam. Lúc đầu, tôi đại diện cho Tập đoàn SMBC (Nhật Bản) vào năm 2015. Năm 2019, tôi rời SMBC, nhưng vẫn quyết định ở lại Eximbank", ông Yasuhiro Saitoh chia sẻ tại phát biểu khai mạc.

Theo ông Yasuhiro Saitoh, việc Eximbank chưa thể tiến hành đại hội trong 3 năm qua ngoài yếu tố ảnh hưởng của dịch bệnh, thì một trong những lí do chính đó là do sự thiếu giao tiếp và thấu hiểu lẫn nhau giữa các nhóm cổ đông lớn.

Trong thời gian qua, Eximbank có nhiều sự thay đổi trong nhân sự. Đáng  kể là việc thay đổi vị trí CEO năm 2021 và đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Điều này đã giúp hoạt động kinh doanh của ngân hàng có nhiều sự thay đổi tích cực.

Cũng theo ông Yasuhiro Saitoh, Tập đoàn SMBC hiện đã giảm bớt số lượng nhân viên tại Eximbank. Từ đầu năm 2022, SMBC đã không còn là đối tác chiến lược của Eximbank,  nhưng hiện tại vẫn còn là cổ đông của Eximbank, không giống như báo chí đưa tin trước đó là SMBC đã rút khỏi ghế cổ đông của Eximbank.

Với những sự thay đổi tích cực trong thời gian gần đây, vị Chủ tịch Eximbank kỳ vọng, có thể đưa Eximbank tăng tốc trở lại sau một thời gian tụt hậu trong thời gian năm nay và cần sự hỗ trợ đầy đủ của các cổ đông.

Một trong những nội dung đáng chú ý tại kỳ đại hội lần này của Eximbank, đó là Hội đồng quản trị trình đại hội thông qua danh sách thành viên hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới 2020-2025.

Đây cũng là chủ đề nóng tại ngân hàng này trong nhiều năm qua, khi các nhóm cổ đông lớn bất đồng khiến Eximbank chưa thể tiến hành bất kỳ phiên họp đại hội đồng cổ đông thành công nào từ năm 2019 đến nay.

Dù nhiệm kỳ 2015-2020 của HĐQT, BKS hiện tại ở Eximbank đã kết thúc, các thành viên tiếp tục hoạt động để đợi đến khi ban lãnh đạo mới được bầu ra và tiếp quản công việc.

Theo tờ trình, HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ có 7 thành viên, trong đó có duy nhất một thành viên HĐQT độc lập. Danh sách HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới được Eximbank công bố ngay trước phiên họp đại hội đồng cổ đông diễn ra và danh sách này cũng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận theo công văn số 717/NNHN-TTGSNH ngày 14/2.

Đáng chú ý, trong danh sách này, bà Lương Thị Cẩm Tú là thành viên duy nhất của HĐQT hiện tại dự kiến ở lại. Bà Tú cũng từng được bầu làm Chủ tịch Eximbank vào đầu năm 2019 nhưng quyết định này sau đó bị chính ông Lê Minh Quốc, người bị miễn nhiệm khỏi ghế Chủ tịch HĐQT, khởi kiện. 

Bà Tú sinh năm 1980, từng làm Tổng Giám đốc Ngân hàng Nam Á (NamABank) giai đoạn 2015-2018 trước khi làm thành viên HĐQT Eximbank từ tháng 4/2018 đến nay. Bà Tú được đề cử bởi một nhóm các cổ đông cá nhân và Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Minh.

Trước đó, ngày 7/2/2022, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) ban hành Nghị quyết thông qua việc chấm dứt trước thời gian đối với thỏa thuận liên minh chiến lược Nhật Bản là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC). Trước đó, ngày 5/1/2022, SMBC có văn bản đề nghị được chấm dứt thỏa thuận, song ở thời điểm hiện tại SMBC vẫn là cổ đông tại Eximbank.

Trên thị trường chứng khoán, diễn biến của cổ phiếu EIB ghi nhận khá tích cực trong vài tháng gần đây. Tạm dừng phiên sáng 15/2, cổ phiếu EIB giao dịch ở mức 37.200 đồng/cổ phiếu, tăng 1,78% so với phiên trước đó.

Kể từ tháng 11/2021 đến nay, cổ phiếu EIB duy trì đà tăng tích cực với mức tăng trên 65%, bất chấp diễn biến tiêu cực của thị trường trong tháng 1/2022.

Đến 12 giờ trưa 15/2, Đại hội cổ đông thường niên năm 2021 lần 2 của Eximbank vẫn đang được tiến hành./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục