Eximbank gỡ nút thắt nhân sự thượng tầng nhưng vẫn còn “bất đồng”

18:16' - 15/02/2022
BNEWS Nhiều năm qua, vấn đề nhân sự cấp cao tại Eximbank luôn thu hút sự chú ý của dư luận, cổ đông do sự bất đồng ý kiến giữa các nhóm cổ đông lớn.

Đáp lại sự mong mỏi của đại đa số cổ đông, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – mã EIB) cuối cùng cũng được tổ chức thành công vào ngày 15/2 tại Tp. Hồ Chí Minh sau hơn 7 tiếng làm việc liên tục do có quá nhiều nội dung tồn đọng. Vấn đề nhân sự thượng tầng của ngân hàng này cũng đã được “hóa giải” tại kỳ đại hội lần này.

Nhiều năm qua, vấn đề nhân sự cấp cao tại Eximbank luôn thu hút sự chú ý của dư luận, cổ đông do sự bất đồng ý kiến giữa các nhóm cổ đông lớn. Đây cũng lí do chính khiến đại hội cổ đông của Eximbank không thể tiến hành kể từ năm 2019.
Tuy nhiên, nút thắt này đã được gỡ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 lần thứ 2 khi cổ đông thông qua danh sách thành viên hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới 2020-2025 với 7 thành viên. Trong đó, chỉ có một thành viên HĐQT cũ được giữ lại.
Cụ thể, bà Lương Thị Cẩm Tú, sinh năm 1980, là thành viên duy nhất của HĐQT cũ, từng được bầu làm Chủ tịch Eximbank vào đầu năm 2019 nhưng quyết định này sau đó bị chính ông Lê Minh Quốc, người bị miễn nhiệm khỏi ghế Chủ tịch HĐQT khởi kiện. Bà Tú từng làm Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) giai đoạn 2015-2018 trước khi làm thành viên HĐQT Eximbank từ tháng 4/2018.
Một nhân sự khác có mối liên hệ với Nam A Bank được đề cử là bà Đỗ Hà Phương, sinh năm 1984. Bà Phương từng có thời gian làm việc tại Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam (VIB), hiện tại là Giám đốc Điều hành Công ty TNHH VNInvest Partners. Trong danh sách cổ đông đề cử bà Phương, xuất hiện nhóm công ty Hoàn Vũ Sài Gòn, Hoàng Gia ĐL, Rồng Ngọc. Các doanh nghiệp này đều có mối liên quan đến gia đình ông Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT Nam A Bank.
Trong danh sách này, ông Võ Quang Hiển, sinh năm 1969 là cái tên duy nhất được Tập đoàn SMBC đề cử. Ông Hiển hiện là Giám đốc điều hành Bộ phận Tài trợ Thương mại toàn cầu tại SMBC chi nhánh Singapore. Trước đó, trong giai đoạn từ tháng 5/2017 đến tháng 8/2019, ông Hiểu từng làm Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp của Eximbank, làm việc theo phái cử của Ngân hàng SMBC, Bộ phận phát triển châu Á.
Ông Nguyễn Hiếu, sinh năm 1973, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) và hiện cũng là thành viên HĐQT của VDSC. Trong danh sách cổ đông đề cử, xuất hiện cái tên Ngô Thu Thúy. Bà Thúy được biết đến là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Âu Lạc, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực vận tải xăng dầu tại Tp. Hồ Chí Minh. Nhóm Âu Lạc đã hiện diện tại Eximbank nhiều năm qua khi 2 nhân sự liên quan gồm ông Lê Minh Quốc và ông Ngô Thanh Tùng tham gia HĐQT Eximbank.
Bà Lê Hồng Anh, sinh năm 1975, hiện là Phó Tổng giám đốc phụ trách kế toán tài chính của Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công. Ông Đào Phong Trúc Đại, sinh năm 1975, cũng liên quan đến Tập đoàn Thành Công, doanh nghiệp kinh doanh đa ngành trong các lĩnh vực công nghiệp ô tô, bất động sản, thương mại. Ông Đại hiện là Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Công nghiệp ô tô Việt Nam; đồng thời là Giám đốc tài chính Công ty cổ phần Kỹ thuật dịch vụ Thành Công…
Đặc biệt, trong danh sách trên, có cái tên hoàn toàn mới, đó là ông Nguyễn Thanh Hùng, sinh năm 1978. Ông Hùng hiện là Phó Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital. Ông Hùng do Chủ tịch Bamboo Capital Nguyễn Hồ Nam và một số cổ đông khác.
Bẩy thành viên được bầu vào HĐQT nhiệm kỳ mới cũng là danh sách Eximbank dự kiến và đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận theo công văn số 717/NNHN-TTGSNH ngày 14/2/2022.
Đại hội kỳ này cũng thông qua thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020-2025 với 3 thành viên, bao gồm ông Ngô Tony, bà Phạm Thị Mai Phương và ông Trịnh Bảo Quốc.
Ngoài vấn đề nhân sự cấp cao, Đại hội cổ đông thường niên năm 2021 lần 2 của Eximbank cũng xem xét thông qua một loạt các tờ trình, báo cáo tồn đọng từ nhiều năm trước. Theo đó, đại hội đã thông qua việc ủy quyền cho HĐQT cập nhật quy chế tài chính, với tỷ lệ đồng ý là 84,03% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết; sửa đổi bổ sung các nội dung khác về điều lệ (95% tỷ lệ đồng ý); ban hành quy chế mới quản trị nội bộ (99,96%); tờ trình tổ chức và hoạt động của HĐQT; quy chế tổ chức và hoạt động của Ban kiểm soát (99%).
Tuy nhiên, hơn 20 vấn đề quan trọng khác đã không được thông qua tại kỳ đại hội lần này, do tỷ lệ tán thành dưới 50%, bao gồm cả kế hoạch tăng vốn và dự án xây dựng trụ sở chính tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm, phường Thái Bình, quận 1, Tp. Hồ Chí Minh. Eximbank dự kiến triển khai dự án có tên Tháp Eximbank được xây trên khu đất có diện tích 3.513,7 m2. Dự án có chức năng văn phòng, khách sạn, căn hộ cao 40 tầng.
Theo ông Yasuhiro Saitoh, Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2015-2020, dù không thể giải quyết hết các vấn đề còn tồn đọng từ những năm trước, song đại hội cũng đã giải quyết được một số vấn đề quan trọng.
“Rất tiếc là chúng ta chưa giải hết được vấn đề tồn đọng trong 3 năm nay, nhưng về cơ bản đã giải quyết được vấn đề quan trọng là bầu thành viên HĐQT, Ban kiểm soát mới. Tôi mong Ban lãnh đạo nhiệm kỳ mới sẽ giải quyết các vấn đề còn tồn đọng của ngân hàng trong thời gian tới”, ông Yasuhiro Saitoh nói.
Theo lãnh đạo Eximbank, SMBC hiện đã giảm bớt nhân viên biệt phái tại ngân hàng từ đầu năm nay, cũng như không còn là đối tác chiến lược, dù vẫn là cổ đông tính đến thời điểm hiện tại. Năm nay, Eximbank đã thỏa mãn điều kiện chia cổ tức sau 9 năm không thực hiện và cổ tức có thể lên đến 2 con số. Việc chia cổ tức bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu còn tùy thuộc vào sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước. Lần chia cổ tức gần đây nhất của Eximbank là năm 2013, với tỷ lệ 4%.
“Cuối cùng chúng ta cũng có thể tổ chức đại hội cổ đông sau bao ngày mong đợi. Việc Eximbank chưa thể tiến hành đại hội trong 3 năm qua ngoài yếu tố ảnh hưởng của dịch bệnh thì một trong những lý do chính đó là do sự thiếu giao tiếp và thấu hiểu lẫn nhau giữa các nhóm cổ đông lớn. Tôi nghĩ mục tiêu và định hướng của các nhóm cổ đông đều giống nhau và đề nghị các nhóm cổ đông hợp tác với nhau”, vị lãnh đạo tiền nhiệm chia sẻ trong bài phát biểu khai mạc đại hội.
Tham dự đại hội, đại diện Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Duy Phương, Phó Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát ngân hàng II, Cơ quan Thanh tra, Giám sát ngân hàng chúc mừng Ngân hàng Eximbank đã tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông và kiện toàn bộ máy lãnh đạo. Đồng thời cũng lưu ý ngân hàng về việc chức danh Chủ tịch HĐQT cần được bầu trong 7 ngày kể từ khi kết thúc đại hội cổ đông. Sau khi kiện toàn bộ máy lãnh đạo, Eximbank cần triển khai hoạt động ngân hàng theo đúng quy định pháp luật, nhằm đảm bảo lợi ích cho cổ đông.
Dự kiến, trong thời gian 7 ngày làm việc tới, các thành viên HĐQT sẽ có buổi họp đầu tiên để bầu ra chức danh Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ mới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục