FAO: Biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới cuộc chiến chống đói nghèo tại Mỹ Latinh

10:10' - 20/10/2016
BNEWS Biến đổi khí hậu có thể tổn hại đến sự ổn định của an ninh lương thực do sản lượng nông nghiệp sụt giảm khiến giá nông sản tăng cao.
FAO: Biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới cuộc chiến chống đói nghèo tại Mỹ Latinh. Ảnh: theatlantic.com

Tổ chức Nông Lương của Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo lượng mưa tại Mỹ Latinh sẽ giảm mạnh vào cuối thể kỷ và điều này ảnh hưởng đến an ninh lương thực cũng như đe dọa những thành tựu quan trọng của khu vực liên quan đến cuộc chiến chống đói nghèo.

Theo báo cáo của FAO, biến đổi khí hậu có thể tổn hại đến sự ổn định của an ninh lương thực do sản lượng nông nghiệp sụt giảm khiến giá nông sản tăng cao.

Ngoài ra, những hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ ảnh hưởng đến cây trồng và vật nuôi trong khu vực theo nhiều cách khác nhau.

Cụ thể, đối với vùng ôn đới, năng suất của đậu tương, lúa mì và đồng cỏ sẽ tăng, trong khi hạn hán và nhiệt độ tăng cao làm giảm năng suất nông nghiệp ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới.

Mặt khác, FAO dự báo sự xâm nhập mặn và sa mạc hóa sẽ tăng mạnh tại Chile và Brazil. Điều này khiến nền nông nghiệp đối mặt với những thách thức lớn về mất mùa.

Việc tăng tần suất của các trận siêu bão, bão mạnh và lốc xoáy ảnh hưởng tới sản lượng nuôi trồng thủy sản và hải sản trong vùng biển Caribe. Sự thay đổi nhiệt độ có thể làm thay đổi sinh lý của loài cá nước ngọt và làm hại các rạn san hô. Biến đổi khí hậu làm lượng cá tại Thái Bình Dương cũng sẽ sụt giảm.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu làm gia tăng nguy cơ cháy tại khu vực rừng Amazon và khiến hơn 40% các loài cây ngập mặn đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Báo cáo mới nhất của Ủy ban Liên hợp quốc về Kinh tế Mỹ Latinh (CEPAL) chỉ ra rằng biến đổi khí hậu tác động mạnh tới kinh tế Mỹ Latinh do sự phụ thuộc vào nông nghiệp, khả năng thích ứng thấp của người dân và vị trí địa lý của một số quốc gia trong khu vực này.

Nông nghiệp, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu, có một vai trò quan trọng trong nền kinh tế khi đóng góp 5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), chiếm 23% tổng hàng hóa xuất khẩu và tạo việc làm cho 16% dân số Mỹ Latinh.

Các chuyên gia kinh tế ước tính khu vực Mỹ Latinh cần phải đầu tư hàng năm ít nhất là 0,02% GDP nhằm khắc phục và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong động thái liên quan, FAO cũng cảnh báo tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu có thể khiến cho 122 triệu người trên thế giới rơi vào tình trạng đói nghèo cùng cực vào năm 2030, tập trung chủ yếu ở khu vực Nam Á và châu Phi.

Báo cáo của FAO nhận định một kịch bản tồi tệ do tác động của biến đổi khí hậu có thể nhấn chìm các cộng đồng dân cư sống dựa vào canh tác nông nghiệp và vấn đề an ninh lương thực có thể lan rộng ra khắp các khu vực trên thế giới.

FAO cũng kêu gọi các quốc gia tiến hành chuyển đổi các nguồn lương thực và hệ thống nông nghiệp nhằm thích nghi với tình trạng trái đất nóng lên.

Tổng giám đốc FAO Jose Graziano da Silva nhấn mạnh rằng biến đổi khí hậu có thể đưa thế giới quay trở lại thời kỳ bất ổn, khi loài người chỉ biết săn bắt và hái lượm, vả rằng loài người sẽ không biết chắc liệu có thể thu hoạch được các sản phẩm mà họ đã trồng hay không.

Tổ chức FAO cũng khuyến khích các quốc gia phát triển các chương trình "khí hậu thông minh", như trồng các loại cây lương thực có khả năng hấp thụ ni-tơ và chịu nhiệt cao, hoặc tìm kiếm các biện pháp dự trữ nước nông nghiệp nhằm giảm số người thiếu ăn trong tương lai.

Báo cáo thường niên của FAO cũng kêu gọi các quốc gia ký kết thỏa thuận chung Paris tại hội nghị về biến đổi khí hậu ở Pháp năm 2015 nhanh chóng triển khai hành động nhằm giúp đỡ các quốc gia đang phát triển giảm thiểu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục