FAO: Giá lương thực toàn cầu tăng trong tháng 1/2022

20:41' - 04/02/2022
BNEWS Chỉ số giá lương thực thế giới đã tăng đáng kể, trong đó giá dầu thực vật cán mốc lịch sử, dẫn đầu đà phục hồi trong tháng 1, tăng 4,2% so với tháng trước và đảo ngược đà giảm giá trong tháng 12.

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) ngày 3/2 thông báo chỉ số giá lương thực của FAO đạt trung bình 135,7 điểm trong tháng 1/2022, cao hơn 1,1% so với tháng 12/2021 do những hạn chế từ phía nguồn cung đối với dầu thực vật và sữa.

Chỉ số giá lương thực thế giới đã tăng đáng kể, trong đó giá dầu thực vật cán mốc lịch sử, dẫn đầu đà phục hồi trong tháng 1, tăng 4,2% so với tháng trước và đảo ngược đà giảm giá trong tháng 12.

Giá cả của tất cả các loại dầu thực vật đều tăng do giá dầu thô tăng, trong đó giá dầu cọ tăng cách biệt do xuất phát từ những lo ngại về năng lực xuất khẩu giảm từ Indonesia, nước xuất khẩu hàng đầu thế giới.

Trong khi đó, giá dầu đậu nành tăng được hỗ trợ bởi lượng nhập khẩu mạnh mẽ, đặc biệt là từ Ấn Độ, trong khi giá hạt cải dầu đã được đẩy lên do nguồn cung bị thắt chặt kéo dài. Giá dầu hạt hướng dương cũng bị ảnh hưởng do nguồn cung khan hiếm và nhu cầu nhập khẩu toàn cầu tăng cao.

 

Boubaker Ben-Belhassen, Giám đốc Bộ phận Thương mại và Thị trường của FAO, cho biết: “Năng lực xuất khẩu giảm do những hạn chế khác nhau từ phía nguồn cung, đặc biệt là tình trạng thiếu lao động và thời tiết không thuận lợi, đã đẩy giá dầu thực vật lên cao nhất mọi thời đại. Do đó điều này dẫn đến lo ngại rằng tác động của những ràng buộc này sẽ không sớm giảm bớt".

Chỉ số giá sữa của FAO trong tháng 1 cũng tăng 2,4%, tháng thứ 5 liên tiếp tăng, trong đó tăng mạnh nhất là sản phẩm sữa bột tách béo và bơ.

Nguyên nhân là do khả năng xuất khẩu giảm từ Tây Âu và kỳ vọng thấp hơn mức trung bình đối với sản xuất sữa ở châu Đại Dương trong những tháng tới đã góp phần vào việc thắt chặt thị trường sữa toàn cầu, cũng như sự chậm trễ trong chế biến và vận chuyển liên quan đến tình trạng thiếu lao động do COVID-19.

Chỉ số giá ngũ cốc cũng đã tăng nhẹ ở mức 0,1% so với tháng 12. Giá ngô xuất khẩu tăng 3,8% do lo ngại về tình trạng hạn hán dai dẳng ở Nam Mỹ, còn chỉ số giá gạo quốc tế tăng 3,1% so với tháng trước do lượng thu hoạch ít hơn cùng với lượng mua ổn định của các đơn hàng khu vực châu Á.

Riêng giá lúa mì thế giới giảm 3,1% được cho là do các vụ thu hoạch chính ở Australia và Argentina dồi dào nguồn cung.

Chỉ số giá thịt thế giới cũng tăng nhẹ. Riêng nhóm giá thịt gia súc lớn (trâu, bò) đạt đỉnh mới do nhu cầu nhập khẩu toàn cầu vượt quá nguồn cung, trong khi giá thịt gia cầm và trứng giảm do nguồn cung vượt nhu cầu nhập khẩu. Giá thịt lợn cũng tăng nhẹ, một phần do chi phí đầu vào tăng làm giảm nguồn cung toàn cầu.

Chỉ số giá đường giảm 3,1% so với tháng trước nhờ triển vọng sản xuất thuận lợi ở các nhà xuất khẩu lớn là Ấn Độ và Thái Lan, cũng như cải thiện lượng mưa và giá ethanol giảm ở Brazil.

Theo các chuyên gia thị trường của FAO, sản lượng ngũ cốc thế giới trong năm 2021 hiện đạt 2.793 triệu tấn, tăng 0,8% so với năm 2020. Sản lượng lúa mì toàn cầu năm 2021 dự kiến sẽ ngang bằng với năm 2020, trong khi sản lượng ngũ cốc thô dự kiến sẽ nhiều hơn 1,3% và sản lượng gạo cũng tăng 0,7%.

Năm 2022, diện tích trồng lúa mì toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng do điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi ở Bắc bán cầu, mặc dù chi phí đầu vào cao có thể ngăn cản việc mở rộng quy mô lớn hơn.

Triển vọng đối với cây ngô cũng rất khả quan, giá cao cho thấy diện tích trồng kỷ lục sẽ đạt ở khu vực Nam Mỹ. Tỷ lệ tiêu dùng ngũ cốc trên toàn thế giới trong niên vụ 2021-2022 được dự báo sẽ tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.

Dự báo mới nhất của FAO về thương mại ngũ cốc thế giới trong năm nay đứng ở mức 481 triệu tấn, tăng 0,4% so với niên vụ trước và cũng là mức kỷ lục. Điều này phản ánh kỳ vọng tăng 2,0% thương mại lúa mì toàn cầu và tăng gần 4,0% khối lượng gạo giao dịch toàn cầu, cao hơn so với mức giảm 1,5% dự kiến đối với mặt hàng ngũ cốc thô.

Chỉ số giá lương thực của FAO - thước đo cho giá lương thực thế giới - ghi nhận những thay đổi hàng tháng về giá cả quốc tế của các mặt hàng thực phẩm thiết yếu được giao dịch hàng ngày./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục