FDI trong chế biến, chế tạo: Cần thu hút có chọn lọc

17:24' - 28/03/2017
BNEWS Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm với tổng số vốn 6,54 tỷ USD, chiếm đến 84,9% tổng vốn đầu tư đăng ký trong Quý I.
Sản xuất các linh kiện điện tử tại Công ty TNHH San Koh Việt Nam(100% vốn đầu tư của Nhật Bản), Khu công nghiệp Bờ Trái Sông Đà. Ảnh: Danh Lam – TTXVN

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố số liệu về đầu tư nước ngoài (FDI).

Trong quý I năm nay, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực; trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm với tổng số vốn 6,54 tỷ USD, chiếm đến 84,9% tổng vốn đầu tư đăng ký trong Quý I.

Theo nhiều chuyên gia, đây là tín hiệu vui vì cơ cấu vốn FDI phân bổ trong ngành công nghiệp đã có sự thay đổi tích cực theo thời gian, tập trung vào chế biến chế tạo, định hướng xuất khẩu đã tăng nhanh.

Giáo sư kinh tế Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, Tokyo cho rằng, về hiệu quả trước mắt thì FDI là kênh có tác dụng lớn vì tri thức kinh doanh tiên tiến kết hợp với vốn và công nghệ làm cho các ngành công nghiệp trong nước nhanh chóng phát triển, cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Nhưng nếu không có chính sách FDI "khôn ngoan" thì Việt Nam sẽ rất dễ ỷ lại vào doanh nghiệp nước ngoài, không tự mình tích luỹ các nguồn lực như công nghệ và khả năng kinh doanh, sẽ đưa đến sự méo mó trong cơ cấu kinh tế và về lâu dài, quá trình công nghiệp hoá có thể sẽ không bền vững.

Ngoại lực là rất quan trọng, nhưng nội lực mới có yếu tố quyết định.

Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Thị Tuệ Anh cho biết, tính đến hết tháng 12 năm 2016, FDI vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 52% xét tổng số dự án và chiếm 58,8% tổng số vốn FDI cả nước.

Sản phẩm của khu vực FDI thay đổi theo hướng tăng số lượng và tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao như công nghệ thông tin, thiết bị cơ khí chính xác, sản phẩm điện tử...

FDI góp phần tăng tổng kim ngạch xuất khẩu và chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam với tỷ trọng hàng có hàm lượng công nghệ cao tăng lên.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh cũng cho rằng, khu vực FDI vẫn hoạt động khá độc lập, chưa tạo liên kết sản xuất với doanh nghiệp trong nước, đã và đang tạo ra những rào cản đối với việc chuyển giao công nghệ, kỹ năng cho khu vực trong nước.

Ngược lại, doanh nghiệp công nghiệp trong nước cũng chưa tham gia vào chuỗi cung ứng của khu vực FDI ở Việt Nam.

Cũng theo Giáo sư Trần Văn Thọ, công nghiệp hoá của Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư nước ngoài FDI và khu vực này lại không có sự kết nối chặt chẽ với nền kinh tế quốc dân.

Hiện nay FDI chiếm tới 50% sản lượng công nghiệp và 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Trong một số mặt hàng, vai trò của FDI trong xuất khẩu còn cao hơn nữa. Đơn cử như xuất khẩu điện thoại di động tuỳ thuộc 100% vào FDI.

Một điểm đáng lưu ý nữa là hầu hết các dự án FDI tại Việt Nam do công ty nước ngoài bỏ vốn 100%, liên doanh với vốn bản xứ rất ít, thiếu sự liên kết hàng dọc...

Ngoài ra, trong cơ cấu các quốc gia, lãnh thổ đầu tư ở Việt Nam, thì phần lớn FDI là những công ty của các nước thuộc thế hệ công nghiệp hoá thứ 4 và thứ 5 như Malaysia, Trung Quốc, khoảng cách phát triển giữa họ và Việt Nam là không lớn.

Trong 10 quốc gia đầu tư nhiều nhất, chỉ có Nhật Bản là có vai trò đáng kể.

Do vậy, Giáo sư Trần Văn Thọ cũng đề xuất, về diện rộng, Việt Nam cần nghiên cứu và tạo điều kiện để doanh nghiệp FDI chuyển dịch chất lượng sản phẩm lên cao hơn; đối thoại với các tập đoàn lớn sản xuất máy in, xe máy, xe hơi... để khuyến khích họ mở rộng đầu tư.

Về chiều sâu, cần thay đổi chiến lược tiếp nhận FDI và tiếp cận với công nghệ của thế giới; Chỉ cấp giấy phép cho những dự án có công nghệ cao và đóng góp trực tiếp vào việc chuyển dịch cơ cấu công nghiệp lên cao.

Ngoài ra, khuyến khích các dự án liên doanh với doanh nghiệp bản xứ và ưu tiên kêu gọi FDI từ những công ty có uy tín trên thế giới về thanh danh, công nghệ...

Trong bối cảnh toàn cầu hoá và xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra với tốc độ nhanh, đòi hỏi Việt Nam phải có sự chọn lọc trong việc thu hút FDI, đặc biệt là chuyển từ số lượng sang chú trọng nhiều hơn vào chất lượng của dòng vốn này.

Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh cho rằng, định hướng chung là ưu tiên thu hút FDI vào những ngành công nghiệp thân thiện môi trường, công nghệ cao và sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao...

Chiến lược thu hút FDI cần hướng vào thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp Việt Nam, tăng tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao, giá trị gia tăng cao.

Cùng với đó, thu hút các tập đoàn lớn có năng lực công nghệ và sẵn sàng chuyển giao công nghệ thông qua các hoạt động nghiên cứu, phát triển và đào tạo nhân lực, sử dụng nhiều nguyên liệu, linh phụ kiện của doanh nghiệp trong nước (có thể quy định tỷ lệ cụ thể tuỳ theo từng ngành ưu tiên), ưu tiên hình thức liên doanh, liên kết với doanh nghiệp Việt...

>>> Vốn đăng ký của các dự án FDI tăng 21,5%

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục