Tp. Hồ Chí Minh “hút” nhiều dự án FDI về bất động sản

17:13' - 13/03/2017
BNEWS Mặc dù chưa kết thúc quý I nhưng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào thị trường bất động sản được ghi nhận vẫn có chiều hướng tăng. Đây là một yếu tố thuận lợi cho thị trường.

Mặc dù chưa kết thúc quý I nhưng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào thị trường bất động sản được ghi nhận vẫn có chiều hướng tăng. Đây là một yếu tố thuận lợi cho thị trường.

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thống kê, chỉ tính riêng tháng 1/2017, thị trường bất động sản Việt Nam đã đón thêm gần 300 triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài, chiếm gần 21% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Còn nếu tính cả năm 2016, dòng vốn này đạt khoảng 1,3 tỷ USD, chiếm 10% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Đặc biệt, theo Hiệp hội Bất động Việt Nam, điều đáng ghi nhận là dòng vốn đầu tư đã thực chất hơn, báo hiệu thị trường sẽ trở nên sôi động.

Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là nơi “hút” nhiều về bất động sản và chiếm tới 40,9% tổng số vốn FDI vào bất động sản của cả nước. Trong số này phải kể đến lễ ra mắt liên doanh đầu tư giữa Tập đoàn Maeda (Nhật Bản) và Công ty Thiên Đức để phát triển dự án căn hộ cao cấp Waterina Suites với tổng đầu tư 30 triệu USD tại quận 2. Dự án này được xem là có sức cạnh tranh lớn cả về chất lượng lẫn giá cả, gây sức ép cho nhiều nhà đầu tư nội địa tại khu vực đang phát triển rất nhanh này.

Căn hộ cao cấp Waterina Suites - quận 2 -TP Hồ Chí Minh có vốn đầu tư 30 triệu USD

Trước đó, Tập đoàn Mitsubishi đã ký kết với Bitexco thành lập liên doanh phát triển dự án nhà ở với tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 290 triệu USD. Một tên tuổi lớn khác là Kajima - Tập đoàn xây dựng có thâm niên 176 năm tuổi đến từ Nhật Bản cũng vừa cùng Indochina Capital ra mắt liên doanh với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Chủ đầu tư này cho biết, trước mắt sẽ triển khai 4 dự án bất động sản cao cấp tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và Tp. Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới cũng tăng cả chất và lượng. Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, kết thúc năm 2016, đã có 110.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, tăng 16,2% so với năm 2015. Đây cũng là mức kỷ lục cao chưa từng có.

Theo đó, số vốn cam kết đưa vào thị trường là 891.094 tỷ đồng, trung bình đạt 8,09 tỷ đồng/doanh nghiệp mới, tăng 48,1% so năm trước. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 26.689 doanh nghiệp, tăng 43,1%; trong đó, lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất là kinh doanh bất động sản, tăng 83,9%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục