FED: Các ngân hàng lớn nhất của Mỹ đủ sức chống chọi với suy thoái

10:20' - 22/06/2018
BNEWS Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đánh giá các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ "được vốn hóa mạnh mẽ" và đủ năng lực vượt qua một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu nghiêm trọng.

Trong báo cáo công bố ngày 22/6, FED đánh giá tích cực kết quả "bài sát hạch" năng lực chống chọi của hệ thống 35 thể chế tài chính lớn nhất cả nước trong tình huống xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính tương tự như cuộc Đại suy thoái 2007-2009, được đánh giá là tồi tệ nhất thế giới kể từ thập niên 30 của thế kỷ trước.

Trụ sở FED tại Washington, DC, Mỹ. Ảnh:AFP/TTXVN

Kịch bản được đưa ra là nền kinh tế số một thế giới gặp nhiều khó khăn với tỷ lệ thất nghiệp lên tới 10%, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sụt giảm và các điều kiện tài chính tồi tệ. Kết quả cho thấy các ngân hàng này đủ khả năng cung cấp các khoản tín dụng hỗ trợ hộ gia đình và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các chuyên gia của FED cũng cảnh báo những thay đổi cơ bản liên quan tới chính sách cải tổ hệ thống thuế của chính quyền Tổng thống Donald Trump có hiệu lực từ tháng 12/2017 kết hợp với một kịch bản xấu hơn có thể gây ra những thiệt hại cao hơn mức dự tính của năm ngoái.

Theo Phó Chủ tịch FED vừa được chỉ định phụ trách giám sát ngân hàng, ông Randal Quarles, bài sát hạch đánh giá năng lực trên cho thấy các ngân hàng sẽ vượt qua cuộc suy thoái tiếp theo một cách tốt hơn so với thời điểm khi bước vào cuộc suy thoái gần đây nhất.

Ông nói: "Bất chấp một kịch bản khắc nghiệt và nhiều nhân tố khác ảnh hưởng, mức vốn của các công ty sau cuộc suy thoái toàn cầu nghiêm trọng giả định vẫn cao hơn mức vốn của các ngân hàng lớn trong nhiều năm trước cuộc suy thoái gần đây nhất (2007-2009)".

Bài kiểm tra của FED cũng cho thấy tỷ suất giữa vốn (cho phép các ngân hàng cân bằng các thiệt hại) và các tài sản tiềm ẩn rủi ro cao đã giảm từ 12,3% hồi cuối năm ngoái xuống còn 7,9%, tức là thấp hơn mức 9,2% đã tính toán cách đây một năm.

Thiệt hại dự báo đối với 35 ngân hàng lên tới 578 tỷ USD trong 9 quý, cao hơn đáng kể so với mức 383 tỷ USD thiệt hại đối với 34 ngân hàng được tính toán trong bài kiểm tra năm 2017.

Các nhà chức trách cho biết dự báo thiệt hại cho thấy thực tế là việc cắt giảm mạnh thuế công ty hồi tháng 12/2017 đã dẫn đến những gánh nặng liên quan đến thanh toán một lần và cũng triệt tiêu một số lợi ích mà ngân hàng được hưởng trong các cuộc suy thoái trước đó.

Cả 35 ngân hàng trên chiếm 80% tổng tài sản của hệ thống ngân hàng đang hoạt động tại Mỹ.

Bài kiểm tra năng lực được tiến hành theo đạo luật cải cách tài chính Dodd-Frank năm 2010, có hiệu lực từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009.

Tháng 5 vừa qua, Tổng thống Trump đã nới lỏng các quy định Dodd-Frank, cho phép các ngân hàng vừa và nhỏ (có tài sản dưới 250 tỷ USD) không bị giảm sát nghiêm ngặt.

Ông nói rằng sự nghiêm khắc của luật Dodd-Frank đã hạn chế hoạt động cho vay, gây sức ép lên tăng trưởng kinh tế.

Đạo luật Dodd-Frank được Tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama ký vào năm 2010 nhằm thắt chặt giám sát đối với ngân hàng và công ty tài chính và bảo vệ người tiêu dùng.

Mục đích chính của đạo luật Dodd-Frank là giảm rủi ro trong hệ thống tài chính bằng cách đề ra những luật lệ mới cho việc kinh doanh các sản phẩm chứng khoán phái sinh.

Những sản phẩm tài chính phức tạp này chính là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn ở Mỹ 2007-2009.

Đạo luật cũng được xem là nỗi ám ảnh của giới tài chính khi áp đặt những hạn chế cho vay lên các ngân hàng lớn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục