FED đánh giá lợi ích của thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn một

10:22' - 20/02/2020
BNEWS Các quan chức Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bày tỏ lo ngại nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều rủi ro tiềm tàng.
Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Washington DC. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã có chiều hướng được cải thiện sau khi hai bên ký kết thỏa thuận giai đoạn 1, các quan chức Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bày tỏ lo ngại nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều rủi ro tiềm tàng.

Theo biên bản cuộc họp chính sách của FED từ ngày 28-29/1, công bố ngày 19/2, ban điều hành FED đánh giá thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn một, cũng như hiệp định thương mại tự do mới với Mexico và Canada, "đã giúp giảm các nguy cơ và dường như đã cải thiện lòng tin của doanh nghiệp".

Nhưng một số quan chức vẫn thận trọng khi cho rằng tác động của thỏa thuận với Trung Quốc "sẽ tương đối hạn chế". Chính sách thương mại vẫn tiềm ẩn những bất trắc "ở mức cao, với nguy cơ xuất hiện các căng thẳng mới cũng như leo thang mới trong các căng thẳng cũ".

Các quan chức trên ghi nhận rằng thỏa thuận với Trung Quốc "sẽ vẫn duy trì một tỷ lệ lớn các loại thuế quan và nhiều công ty đã phải điều chỉnh hoạt động sản xuất và dây chuyền cung ứng".

Trong biên bản cuộc họp trên, các quan chức FED đánh giá nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ trong năm tới đã "giảm đáng kể".

Họ lạc quan một cách thận trọng rằng việc giảm bớt căng thẳng sẽ "giúp tăng lòng tin doanh nghiệp hoặc tăng nhu cầu xuất khẩu, từ đó giúp củng cố hoặc ít nhất là ổn định đầu tư của doanh nghiệp". Nhưng một số quan chức nhấn mạnh rằng nông dân Mỹ, vốn đang bị tác động mạnh vì các biện pháp đáp trả của Trung Quốc, vẫn đang đối mặt nhiều thách thức dù đã được chính phủ trợ cấp.

Ngoài ra, FED nhận định dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở Trung Quốc là một nguồn cơn gây bất ổn khác đối với nền kinh tế toàn cầu.

Tháng trước, giới chức Mỹ và Trung Quốc đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Với thỏa thuận này, Washington đã hoãn một kế hoạch áp thuế từ giữa tháng 12/2019 đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 160 tỷ USD và cam kết giảm một nửa mức thuế 15% đối với 120 tỷ USD hàng tiêu dùng đã áp đặt từ ngày 1/9/2019.

Tuy nhiên, nhiều mức thuế trừng phạt trước đây vẫn tồn tại, tác động đến khoảng 70% lượng hàng hóa trao đổi giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo các chuyên gia, trung bình thuế của Mỹ đánh vào hàng hóa Trung Quốc trong thời gian xảy ra tranh cãi thương mại đã tăng 3% kể từ đầu năm 2018, lên hơn 19%.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo các cuộc xung đột thương mại và thuế sẽ làm giảm tới 80% tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thế giới; thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung có thể giảm nguy cơ này, song nền kinh tế thế giới vẫn rất mong manh và nhiều rủi ro.

Việc FED cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm 2019 là một hỗ trợ nền kinh tế sau những chao đảo vì các tranh cãi thương mại với nhiều đối tác của chính quyền Tổng thống Trump.

Nhưng Ủy ban Thị trường mở liên bang - cơ quan hoạch định chính sách của FED - tháng trước đã giữ nguyên lãi suất cơ bản dao động ở mức 1,5-1,75%, và cho biết không định điều chỉnh trừ phi có một "thay đổi lớn" ảnh hưởng tới triển vọng kinh tế./.

Xem thêm:

>>Quan chức Fed: Kinh tế Mỹ dự kiến tăng trưởng khoảng 2% trong năm 2020

>>Fed vẫn giữ lãi suất cơ bản ở mức 1,5- 1,75%

       

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục