Fed đẩy nhanh cuộc chiến chống lạm phát bất chấp rủi ro cho nền kinh tế

09:43' - 21/09/2022
BNEWS Cuộc chiến chống giá cả leo thang sẽ tăng tốc vào thứ Tư tuần này, khi Fed dự kiến đưa ra một đợt tăng lãi suất mạnh khác nhằm kiểm soát tình trạng lạm phát hiện nay.

Cuộc chiến chống giá cả leo thang của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ tăng tốc vào thứ Tư tuần này (21/9), khi ngân hàng trung ương Mỹ dự kiến đưa ra một đợt tăng lãi suất mạnh khác nhằm kiểm soát tình trạng lạm phát hiện nay.

Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - hội đồng gồm các quan chức Fed chịu trách nhiệm thiết lập chính sách tiền tệ - đang thúc đẩy việc nâng mức độ tăng lãi suất cơ bản vào cuối cuộc họp kéo dài hai ngày ở thủ đô Washington D.C.

Các nhà lãnh đạo của Fed đã xác nhận sẽ có thêm một đợt tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm nữa - đánh dấu lần thứ ba liên tiếp trong năm nay Fed tăng lãi suất ở quy mô mà Chủ tịch Jerome Powell gọi là “lớn bất thường”. Các nhà kinh tế và nhà đầu tư đã hy vọng Fed sẽ có thể chuyển hướng sang các đợt tăng lãi suất nhỏ hơn sau đợt tăng lớn trong tháng Chín. Tuy nhiên, cho đến nay Fed có rất ít khả năng “hạ nhiệt” lạm phát.

Nền kinh tế Mỹ đã có một số dấu hiệu chậm lại dưới tác động của lãi suất cao hơn, cùng “cú sốc” đối với thị trường năng lượng do cuộc chiến ở Ukraine.

Giá xăng tại Mỹ hiện đã giảm so với mức đỉnh được thiết lập vào tháng 6/2022, đồng thời chuỗi cung ứng cũng hoạt động "trơn tru" hơn và khối lượng thanh toán thế chấp gia tăng đã khiến thị trường nhà ở “hạ nhiệt”. Mặc dù vậy, theo Bộ Lao động Mỹ, lạm phát vẫn tăng cao trong tháng 8/2022, dẫn đến sự gia tăng đáng lo ngại về chi phí nhà ở, dịch vụ y tế, vận chuyển và thực phẩm.

Theo chuyên gia Adam Ozimek, nhà kinh tế trưởng tại tổ chức nghiên cứu Economic Innovation Group, nền kinh tế Mỹ sẽ sớm cải thiện song các thị trường cần phải kiên nhẫn. Ông Powell và các quan chức hàng đầu của Fed đã thừa nhận cuộc chiến chống lạm phát sẽ mang lại tác động không mong muốn, khi lãi suất cao hơn làm chậm đà tăng trưởng của nền kinh tế, tạo thêm áp lực đối với ngân sách hộ gia đình và “hạ nhiệt” thị trường lao động sau nhiều năm tăng trưởng như vũ bão.

Các nhà kinh tế ngày càng lo ngại Fed có thể tăng lãi suất đến mức mà những tác động trên dẫn đến một cuộc suy thoái toàn diện, bao gồm việc mất việc làm và tăng trưởng kinh tế suy giảm.

Nền kinh tế Mỹ vẫn tỏ ra mạnh mẽ ngay cả trong bối cảnh lạm phát tăng và căng thẳng từ lãi suất cao hơn, với việc thị trường lao động có thêm hơn 2 triệu việc làm kể từ đầu năm và chi tiêu của người tiêu dùng cao hơn xu hướng trước đại dịch. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 8/2022 chỉ là 3,7% - gần với mức trước đại dịch - trong khi việc sa thải vẫn ở mức thấp trong lịch sử.

Theo chuyên gia Diane Swonk, nhà kinh tế trưởng tại công ty kiểm toán và tư vấn KPMG, việc Fed quyết định tiếp tục tăng lãi suất sẽ là một trong những quyết định khó khăn nhất và mang tính chính trị cao nhất. Áp lực chính trị đối với Fed chắc chắn sẽ gia tăng trong giai đoạn tới.

Ông Powell thừa nhận cuộc chiến chống lạm phát của Fed có thể đẩy Mỹ vào một cuộc suy thoái và gây ra khó khăn nghiêm trọng cho hàng triệu người Mỹ. Theo ông Powell, trong khi Fed hy vọng có thể tránh được một kịch bản như vậy, nền kinh tế Mỹ sẽ phải đối mặt với áp lực lớn hơn nhiều nếu Fed cho phép lạm phát không giảm và đẩy Mỹ vào một cuộc khủng hoảng sâu hơn.

Fed đã phải đối mặt với những lời chỉ trích nghiêm trọng vào năm 2021 vì từ chối tăng lãi suất trong khi lạm phát bắt đầu tăng tốc, khẳng định lãi suất cao hơn có thể làm giảm tốc độ phục hồi. Nhưng sự kết hợp của những khó khăn trong chuỗi cung ứng, đại dịch COVID-19 bùng phát và cuộc chiến ở Ukraine đã đẩy giá cả tăng trên 8% hàng năm vào mùa Hè này, mức cao nhất trong hơn 40 năm qua./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục