Fed: Doanh nghiệp lạc quan về triển vọng kinh tế Mỹ

10:19' - 04/03/2021
BNEWS Theo Fed, hầu hết các doanh nghiệp vẫn lạc quan về triển vọng kinh tế trong 6 đến 12 tháng tới trong bối cảnh các vaccine ngừa COVID-19 ngày càng được phân phối rộng rãi.

Nền kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng "khiêm tốn" trong những tuần gần đây song các doanh nghiệp ngày càng lạc quan hơn trong bối cảnh chương trình tiêm chủng vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 được triển khai trên khắp toàn quốc.

Trong báo cáo khảo sát kinh doanh Beige Book tổng hợp số liệu của 12 khu vực được công bố ngày 3/3, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết hầu hết các doanh nghiệp vẫn lạc quan về triển vọng kinh tế trong 6 đến 12 tháng tới trong bối cảnh các vaccine ngừa COVID-19 ngày càng được phân phối rộng rãi.

Ngay cả ở khu vực New York, nơi duy nhất trong số 12 khu vực của Fed ghi nhận hoạt động kinh tế chững lại, các doanh nghiệp ngày càng lạc quan hơn về triển vọng kinh tế ngắn hạn. Hầu hết 12 khu vực cũng ghi nhận thị trường việc làm có sự cải thiện dù tăng chậm.

Cũng theo báo cáo, hoạt động sản xuất tiếp tục là điểm sáng trên toàn quốc, dù các nhà máy vẫn phàn nàn về tình trạng thiếu hụt cũng như giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt là chất bán dẫn - ảnh hưởng tiêu cực đến ngành công nghiệp ô tô.

Giá các mặt hàng như nhiên liệu, sắt và gỗ xẻ cũng ghi nhận xu hướng tăng, dù chỉ một số ít doanh nghiệp báo cáo phải tăng giá bán.

Trong khi đó, lãi suất tài sản thế chấp thấp tiếp tục thúc đẩy "nhu cầu mạnh mẽ" về nhà ở.

Phần nào với nền kinh tế Mỹ thời điểm trước khi đại dịch ập đến với tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong 50 năm, báo cáo của Fed ghi nhận một số công ty cho biết đã phải tăng lương để thu hút và giữ chân người lao động trong các lĩnh vực chủ chốt.

Một vấn đề mà các nhà tuyển dụng đang đối mặt là việc đóng cửa các trường học và các cơ sở giữ trẻ để phòng chống dịch đồng nghĩa một phần đáng kể lực lượng lao động tiềm năng, đặc biệt là phụ nữ, không thể đi làm vì phải chăm sóc con cái.

Các báo cáo trên được Fed công bố trước thềm cuộc họp chính sách của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) vào cuối tháng này.

Trước đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã cam kết ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tiếp tục duy trì biên độ lãi suất cho vay ở mức thấp cho tới khi nền kinh tế sử dụng hết nguồn lực lao động và tỷ lệ lạm phát tăng liên tục.

Theo đó, Fed sẽ duy trì lãi suất hiện tại ở mức gần bằng 0 cho tới khi nền kinh tế "tạo việc làm tối đa và lạm phát tăng lên 2% và tiếp tục đà vượt quá 2% trong một thời gian".

Những quan ngại về lạm phát và triển vọng kinh tế là một trong những nguyên nhân khiến cả ba chỉ số chủ lực của thị trường chứng khoán Phố Wall (Mỹ) đều giảm điểm.

Trong đó, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,4% xuống còn 31.270,09 điểm, chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 1,3% xuống còn 3.819,72 điểm và chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 2,7% xuống còn 12.997,75 điểm.

Trong khi đó, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các chỉ số chứng khoản chủ lực ở châu Âu lại có phiên giao dịch trong "sắc xanh".

Cụ thể, chỉ số FTSE 100 của thị trường London (Vương quốc Anh) tăng 0,9% lên 6.675,47 điểm, chỉ số DAX 30 của thị trường Frankfurt (Đức) tăng 0,3% lên 14.080,03 điểm và chỉ số CAC 40 của thị trường Paris (Pháp) tăng 0,4% lên 5.830,06 điểm. Còn chỉ số Euro Stoxx tăng 0,1% lên 3.712,78 điểm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục