Phần còn lại của thế giới sẽ ra sao nếu kinh tế Mỹ "quá nóng"?
Sau một năm 2020 nhiều cố gắng với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 3,5%, Mỹ muốn hướng đến sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 bằng việc đơn giản là quay trở lại hoạt động bình thường nhờ quá trình tiêm chủng. Tuy nhiên, Mỹ có thể đang cố gắng để đạt được nhiều hơn thế.
Nếu dự luật cứu trợ của Tổng thống Joe Biden được ban hành, tổng số tiền kích thích trong năm sẽ vượt mức 2.500 tỷ USD. Điều đó có thể dễ dàng đẩy sản lượng của nền kinh tế vượt qua mức mà Văn phòng Ngân sách Quốc hội ước tính là “tiềm năng” (chỉ mức sản lượng có thể tăng mà không làm gia tăng áp lực lạm phát). Triển vọng này khiến một số nhà kinh tế Mỹ cảnh giác với những dấu hiệu tăng nhanh về giá cả và tiền lương.
Tuy nhiên, Mỹ không hoạt động trong môi trường biệt lập. Nếu phát triển quá nóng, các tác động sẽ không bị giới hạn trong biên giới nước Mỹ. Theo tạp chí The Economist của Anh, tùy thuộc vào việc phục hồi diễn ra như thế nào, một nền kinh tế Mỹ quá nóng có thể là một mối lợi hoặc một nguồn lo ngại cho phần còn lại của thế giới.
The Economist cho rằng trong một nền kinh tế đóng, không giao thương với phần còn lại của thế giới, chi tiêu quá ít sẽ dẫn đến mất việc làm và áp lực giảm phát, trong khi chi tiêu quá nhiều sẽ đẩy việc làm và cuối cùng là giá cả đi lên.
Tuy nhiên, trong nền kinh tế mở, một số tác động của việc nhu cầu thay đổi lại lan sang phần còn lại của thế giới. Ví dụ, chi tiêu giảm mạnh có thể đi cùng với việc nhu cầu nhập khẩu giảm, trong trường hợp đó, một phần tác động của sự sụt giảm lại được xuất khẩu ra bên ngoài.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009, những rắc rối trên thị trường tài chính đã tàn phá khắp thế giới. Ngay cả những quốc gia tương đối cách biệt với cuộc khủng hoảng này cũng cảm thấy “ớn lạnh” do các mối quan hệ thương mại với Mỹ và châu Âu. Theo một ước tính, khoảng 25% sự sụt giảm nhu cầu của Mỹ và 20% của châu Âu do các nền kinh tế khác gánh chịu.
Nhu cầu bùng nổ cũng có xu hướng tương tự, nhưng theo chiều hướng khác. Khi người Mỹ chi tiêu nhiều hơn, một phần khoản chi tiêu này chảy ra bên ngoài, như thông qua việc mua hàng hóa, du lịch nước ngoài.
Một phân tích về sự lan tỏa của chính sách tài khóa do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố năm 2017 cho thấy, một gói kích thích của Mỹ bao gồm chủ yếu là chi tiêu (không phải là cắt giảm thuế) trị giá 1% GDP có thể làm tăng sản lượng của một quốc gia thêm trung bình 0,33% trong năm đầu tiên.
Các quốc gia có quan hệ thương mại chặt chẽ với Mỹ hơn sẽ chịu tác động lớn hơn, ví dụ tác động đối với Canada ước tính là gần gấp ba lần mức trung bình. Nếu kết hợp giữa mở cửa trở lại và tiếp thêm sinh lực cho người tiêu dùng Mỹ, tác động sẽ nhanh chóng được cảm nhận trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, mức độ tác động phụ thuộc rất nhiều vào phản ứng chính sách ở cả trong và ngoài nước. Sự lan tỏa về tài khóa càng mạnh mẽ hơn khi bản thân các nước khác đang hoạt động dưới mức tiềm năng. Do đó, chi tiêu của Mỹ nhiều khả năng sẽ tràn sang phần còn lại của thế giới nếu sự phục hồi của nước này mạnh mẽ hơn so với các đối tác thương mại.
Thông thường, tác động lan tỏa cung cấp động lực mạnh mẽ cho các chính phủ phối hợp các nỗ lực kích thích của mình. Điều này là vì họ sợ rằng một số nền kinh tế chặt chẽ (như các nền kinh tế châu Âu) hưởng lợi miễn phí từ những nước chi tiêu hào phóng hơn.
Thật vậy, vào ngày 12/2, Bộ trưởng tài chính Mỹ Janet Yellen đã kêu gọi những người đồng cấp Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) cùng tiến hành các biện pháp kích thích kinh tế. Những quốc gia “đi xe miễn phí” có thể gặp khó khăn với bà Yellen khi Chính quyền của ông Biden đã cam kết sẽ cứng rắn với những quốc gia có thặng dư thương mại lớn và kéo dài với nước Mỹ.
Những nước khác có thể ít khó chịu hơn bình thường, vì các quốc gia thiếu nhu cầu sẽ đóng vai trò như “van xả” cho áp lực đang gia tăng ở Mỹ. Theo nghiên cứu của Jane Ihrig, Steven Kamin, Deborah Lindner và Jaime Marquez thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tăng trưởng trong thương mại toàn cầu dường như đã nâng cao khả năng giảm áp lực lạm phát.
Họ cho rằng việc thương mại mở rộng đã làm suy yếu mối liên hệ giữa những thay đổi của nhu cầu trong nước và sự thay đổi tương ứng của tổng sản lượng, trong đó xuất khẩu ròng chịu thêm gánh nặng điều chỉnh đối với những thay đổi trong chi tiêu nội địa.
Ví dụ, vào cuối những năm 1990, các thước đo nhu cầu trong nước thậm chí còn tăng nhanh hơn GDP thực tế (bản thân GDP cũng đang tăng trưởng với tốc độ nhanh). Tuy nhiên, lạm phát vẫn tương đối nhẹ nhàng, một phần là do thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ tăng lên. Tương tự, nhập khẩu tăng mạnh trong năm nay có thể làm tiêu tan áp lực lạm phát tiềm ẩn ở Mỹ trong khi tạo cú đỡ các đối tác thương mại yếu hơn.
Sự không chắc chắn lớn nhất về tác động toàn cầu của một nền kinh tế Mỹ tăng trưởng nóng là phản ứng của Fed. Nghiên cứu gần đây của Kristin Forbes, Viện Công nghệ Massachusetts, cho thấy lạm phát trong nước, theo thời gian, đã trở nên phản ứng nhanh hơn với các yếu tố toàn cầu. Song lạm phát tiền lương dường như vẫn chủ yếu phản ứng với các điều kiện trong nước.
Do đó, Fed có thể không quá chú ý tới giá cả gia tăng vào cuối năm nay khi cho rằng áp lực giá cả trong ngắn hạn sẽ không chuyển thành lạm phát kéo dài. Fed sẽ nhận định điều này chỉ xảy ra khi thị trường việc làm của Mỹ và nền kinh tế thế giới phục hồi hoàn toàn.
Một Fed điềm tĩnh sẽ tạo ra một đồng USD yếu hơn và các điều kiện tài chính dễ dàng hơn trên toàn thế giới, đóng góp thêm cho lực đẩy đến từ việc người Mỹ mua nhiều hàng hóa nước ngoài hơn.
Tuy nhiên, một nền kinh tế thực sự bùng nổ có thể thử thách sự kiên nhẫn của Fed, đặc biệt nếu thâm hụt tài khoản vãng lai và giá tài sản tăng cao khiến Fed lo lắng rằng rủi ro tài chính sẽ tích tụ. Nỗi lo sợ về các đợt tăng lãi suất của Mỹ có thể khiến thị trường toàn cầu cẩn trọng và buộc các nền kinh tế mới nổi phải áp dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ ít mang tính kích thích hơn.
Một chút nhu cầu từ Mỹ có vẻ không đáng kể. Việc Fed đột ngột trở nên cứng rắn với chính sách tiền tệ dường như vẫn chưa thể xảy ra. Tuy nhiên, nếu “nhiệt độ” của nền kinh tế Mỹ tăng lên đủ cao, phần còn lại của thế giới có thể "đổ mồ hôi lạnh"./.
Tin liên quan
-
Thị trường
Doanh số bán lẻ của Mỹ dự kiến tăng trong năm 2021
06:16' - 02/03/2021
Doanh thu bán lẻ của Mỹ có thể tăng 8% lên hơn 4.330 tỷ USD trong năm 2021.
-
Ngân hàng
Fed có thể kéo dài tỷ lệ lãi suất không đổi
12:56' - 25/02/2021
Chủ tịch Powell cho hay Fed sẽ không nâng lãi suất cho đến khi lạm phát vượt quá 2% cũng như dự đoán có thể kéo dài tỷ lệ lãi suất không đổi trong vòng hơn ba năm.
-
Ngân hàng
Lỗi vận hành làm gián đoạn một số dịch vụ của Fed
10:16' - 25/02/2021
Ngày 24/2, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết một số dịch vụ của ngân hàng này đã bị gián đoạn do "lỗi vận hành".
-
Ý kiến và Bình luận
Chủ tịch Fed trấn an nỗi lo lạm phát leo thang
09:01' - 24/02/2021
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell ngày 23/2 đã lên tiếng xoa dịu những lo ngại rằng lạm phát sẽ gia tăng vì các gói kích thích của Chính phủ Mỹ.
-
Tài chính & Ngân hàng
Fed cam kết duy trì lãi suất thấp đến khi lạm phát vượt ngưỡng 2%
08:18' - 24/02/2021
Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cam kết ngân hàng trung ương Mỹ tiếp tục duy trì biên độ lãi suất cho vay ở mức thấp cho tới khi nền kinh tế sử dụng hết nguồn lực lao động và tỷ lệ lạm phát tăng liên tục.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Thế giới
Thương mại Mỹ -Trung có thể gặp nhiều sóng gió hậu bầu cử
20:07' - 15/11/2024
Khi đối mặt với nguy cơ của một cuộc chiến thương mại mới với Mỹ, Trung Quốc có thể mở rộng phạm vi đáp trả trong những năm gần đây.
-
Kinh tế Thế giới
Kinh tế Anh suy yếu, gây lo ngại về mục tiêu tăng trưởng
18:46' - 15/11/2024
Văn phòng Thống kê quốc gia Anh ngày 15/11 công bố báo cáo cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh đã giảm trong tháng 9/2024 và tăng trưởng chậm lại đáng kể trong quý III.
-
Kinh tế Thế giới
Cảnh báo siêu động đất làm chậm tăng trưởng kinh tế Nhật Bản
17:25' - 15/11/2024
Theo số liệu chính thức công bố ngày 15/11, nền kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng chậm lại trong quý III/2024 do những cảnh báo về nguy cơ xảy ra siêu động đất làm ảnh hưởng đến hiệu suất kinh tế.
-
Kinh tế Thế giới
Liban thiệt hại 8,5 tỷ USD do xung đột Israel - Hezbollah
09:51' - 15/11/2024
Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá thiệt hại vật chất và tổn thất kinh tế do cuộc xung đột gây ra cho Liban ước vào khoảng 8,5 tỷ USD.
-
Kinh tế Thế giới
Trung Âu lo ngại tác động kép từ chính sách thương mại mới của Mỹ
08:20' - 15/11/2024
Kết quả bầu cử ở Mỹ đã làm gia tăng các mối rủi ro đối với nền kinh tế Đức, vốn đang đình trệ, và ảnh hưởng đến triển vọng phục hồi của khu vực Trung Âu, nơi phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu.
-
Kinh tế Thế giới
Nhật Bản: Chính phủ đề xuất hỗ trợ tiền mặt đối phó lạm phát
16:02' - 14/11/2024
Chính phủ Nhật Bản đã trình Quốc hội một khoản ngân sách bổ sung để hỗ trợ người dân ứng phó với lạm phát, qua đó kích thích kinh tế quốc gia.
-
Kinh tế Thế giới
Chính sách của Tổng thống đắc cử D.Trump với thương mại thực phẩm
14:28' - 14/11/2024
Chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ có ảnh hưởng hạn chế đến hoạt động thương mại thực phẩm của Hàn Quốc với Mỹ trong 2 năm đầu nhiệm kỳ của ông.
-
Kinh tế Thế giới
Mỹ: Đảng Cộng hòa chính thức giành quyền kiểm soát Hạ viện
12:31' - 14/11/2024
Đảng Cộng hòa đã giành đủ số ghế để chính thức kiểm soát Hạ viện, hoàn tất quá trình thâu tóm quyền lực của đảng này và đảm bảo quyền kiểm soát cả Nhà Trắng và hai viện của Quốc hội Mỹ khóa 119.
-
Kinh tế Thế giới
Việt Nam tìm kiếm đối tác Pháp trong một loạt lĩnh vực quan trọng
07:50' - 14/11/2024
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, trong khuôn khổ chương trình xúc tiến đầu tư và thương mại tại châu Âu, ngày 13/11 tại thủ đô Paris đã diễn ra buổi Tọa đàm Thương mại Đầu tư Việt Nam – Pháp.