Fed: Kinh tế Mỹ đối mặt rủi ro giảm tốc và lạm phát cao

11:11' - 10/04/2025
BNEWS Các nhà hoạch định chính sách gần như nhất trí rằng nền kinh tế Mỹ đối mặt với rủi ro lạm phát cao và tăng trưởng chậm lại cùng lúc.

Biên bản cuộc họp chính sách tháng 3/2025 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho thấy các nhà hoạch định chính sách gần như nhất trí rằng nền kinh tế Mỹ đối mặt với rủi ro lạm phát cao và tăng trưởng chậm lại cùng lúc. Một số nhà hoạch định chính sách lưu ý rằng Fed có thể phải đối mặt với những "lựa chọn khó khăn" phía trước.

 

Cuộc họp diễn ra vào ngày 18-19/3 trong bối cảnh các kế hoạch thuế quan ban đầu của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump làm gia tăng sự không chắc chắn về triển vọng kinh tế. Điều này khiến các thành viên của ban lãnh đạo Fed tham gia ủng hộ "cách tiếp cận thận trọng", theo đó có thể lựa chọn giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn nếu lạm phát dai dẳng, hoặc cắt giảm lãi suất nếu nền kinh tế suy yếu.

Biên bản được công bố ngày 9/4 cho biết các thành viên của ban lãnh đạo Fed đánh giá rằng sự không chắc chắn xung quanh triển vọng kinh tế đã tăng lên, trong đó hầu hết các thành viên đều nhìn nhận rủi ro lạm phát nghiêng về phía tăng và rủi ro việc làm nghiêng về phía giảm.

Một số thành viên cho rằng Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) có thể phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn nếu lạm phát dai dẳng hơn trong khi triển vọng tăng trưởng và việc làm suy yếu.

Ngày 2/4, ông Trump đã công bố một loạt thuế nhập khẩu thậm chí còn mạnh mẽ và áp dụng rộng rãi hơn những gì đã được thông báo trước cuộc họp tháng 3/2025. Kết quả là thị trường chứng khoán đã lao dốc, nhưng vào ngày 9/4 đã tăng mạnh trở lại sau khi ông Trump thông báo tạm hoãn áp dụng thuế đối ứng đối với nhiều nước trong 90 ngày.

Nếu điều đó là một sự trấn an cho thị trường, các chỉ số chính tăng 6% hoặc hơn và những nhà đầu tư đã giảm số lần cắt giảm lãi suất dự kiến của Fed trong năm nay từ 4 xuống 3, thì nó lại càng nhấn mạnh sự không chắc chắn mà biên bản đã đề cập.

Ngay cả từ góc nhìn hạn chế hơn của tháng 3/2025, các quan chức Fed đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế, nâng dự báo lạm phát cho năm 2025, và giảm số lần cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm dự kiến trong năm 2025 từ ba xuống hai lần.

Tính đến giữa tháng 3/2025, trước đợt bán tháo cổ phiếu sau những thông báo thuế quan gần đây hơn của ông Trump, các quan chức Fed đã lo ngại về rủi ro của "sự định giá lại đột ngột" trên thị trường tài chính. Biên bản cho biết một vài thành viên cảnh báo rằng việc đánh giá lại rủi ro đột ngột trên thị trường tài chính có thể làm trầm trọng thêm tác động của bất kỳ cú sốc tiêu cực nào đối với nền kinh tế.

Tại cuộc họp kết thúc ngày 19/3, Fed quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 4,25%-4,50%.

Chủ tịch chi nhánh Fed tại Chicago, ông Austan Goolsbee, cho biết giới doanh nghiệp đang ngày càng lo ngại rằng các mức thuế mới có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng và khiến áp lực lạm phát quay trở lại. Trong cuộc phỏng vấn với CNN mới đây, ông Goolsbee cho rằng điều khiến mọi người lo ngại là việc các nước áp thuế lẫn nhau có thể dẫn tới tình trạng từng thấy vào năm 2021 và 2022, khi lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát.

Lạm phát tại Mỹ đã tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 40 năm vào năm 2022, buộc Fed phải tăng mạnh lãi suất để kiềm chế giá cả leo thang.

Trước đó, Chủ tịch chi nhánh Fed tại New York, John Williams, cho biết chính sách tiền tệ hiện tại đang ở vị thế phù hợp với những diễn biến kinh tế trong năm nay, dù ông thừa nhận vẫn có rủi ro lạm phát có thể nóng lên trở lại.

Trong cuộc phỏng vấn với trang tin tức Yahoo Finance, ông Williams nói: "Chính sách tiền tệ đang ở mức thắt chặt vừa phải", đồng thời nhấn mạnh lãi suất hiện nay đang giúp tạo áp lực giảm lạm phát. Ông cũng cho biết chưa thể dự đoán khi nào Fed có thể thay đổi mức lãi suất hiện tại, nhưng việc duy trì lãi suất trong một khoảng thời gian sẽ giúp các quan chức có thêm dữ liệu để đưa ra quyết định phù hợp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục