Gà trắng công nghiệp khó tiêu thụ tại phía Nam

06:50' - 29/07/2021
BNEWS Dịch COVID-19 đã làm chuỗi chăn nuôi và tiêu thụ gà trắng công nghiệp tại các tỉnh phía Nam gián đoạn, giá gà hiện đã giảm mạnh nhưng vẫn chưa có đầu ra.

Dịch COVID-19 khiến chuỗi chăn nuôi - tiêu thụ gà trắng công nghiệp tại một số tỉnh như Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Bình Dương đang rơi vào thế bí vì sự gián đoạn của khâu giết mổ và sức tiêu thụ giảm mạnh, giá gà hiện đã giảm rất sâu nhưng người nuôi vẫn không thể bán được.
Ông Lê Phương Hải, chủ một trại chăn nuôi gia cầm lớn tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai cho biết, trang trại của ông chăn nuôi gà trắng theo chuỗi khép kín từ con giống đến thức ăn, giết mổ và tiêu thụ tại các chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh, các bếp ăn công nghiệp và xuất khẩu đi Nhật.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các khu công nghiệp, khu chế xuất giảm số lượng suất ăn, các chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh đóng cửa nhiều tháng và việc xuất khẩu cũng không thực hiện được.
“Gà quá lứa chưa thể xuất bán đã lấp kín các chuồng nuôi. Tình trạng chật chội, chen chúc đến nỗi gà không thể bước ra máng ăn. Cộng với thời tiết nắng nóng đã khiến gà chết dần. Mỗi ngày nhân viên ở các trại của tôi phải nhặt hàng trăm con gà chết đem đi thiêu để đảm bảo không ảnh hưởng tới vấn đề vệ sinh môi trường và dịch bệnh.”, ông Hải nêu thực trạng tại trang trại.
Theo ông Lê Phương Hải, hiện tại riêng trang trại gà của ông đang tồn 170.000 con, nhưng không chỉ các trang trại lớn mà các hộ chăn nuôi quy mô vài nghìn con cũng không thể bán được. Giá gà trắng tại trại hiện nay chỉ còn ở mức 6.000-7.000 đồng/kg mà vẫn không có thương lái đến mua trong khi giá thành chăn nuôi gà hiện nay đã khoảng 28.000-29.000 đồng/kg.

Không chỉ lỗ nặng mà hàng loạt trang trại, hộ chăn nuôi gà đang đứng trước nguy cơ mất trắng.
Ông Ngô Văn Tú, chủ một cơ sở giết mổ tại huyện Trảng Bom, Đồng Nai cho biết, từ khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh, nhu cầu tiêu thụ thịt gà giảm mạnh từ 70-90%.

Nếu như trước đây, mỗi ngày cơ sở của ông bán ra thị trường gần 900kg gà sơ chế thì hiện tại giảm xuống chỉ còn 100kg/ngày. Sức mua giảm, trong khi nguồn cung vẫn dồi dào nên giá gà thịt ngày càng giảm.
Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, mỗi ngày Đồng Nai có thể cung ứng ra thị trường khoảng 120.000 con gia cầm (chủ yếu là gà), một lượng lớn trong số này cung cấp cho các chuỗi bếp ăn công nghiệp, các hệ thống cửa hàng thức ăn nhanh và  40% cung ứng cho Tp. Hồ Chí Minh thông qua các chợ đầu mối lớn.
Theo ông Trần Lâm Sinh, từ khi Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ rồi lần lượt 16 tỉnh phía Nam cùng áp dụng, các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm không đáp ứng được “3 tại chỗ” hoặc có ca mắc COVID-19 phải đóng cửa. Các lò giết mổ nhỏ cũng giảm công suất khiến cả trang trại lớn lẫn hộ chăn nuôi gà đều bí đầu ra.
Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An thông tin, trước dịch COVID-19, Long An có 10 cơ sở giết mổ gia cầm với công suất 160.000 con/ngày.

Các cơ sở giết mổ gia cầm trên địa bàn Long An không chỉ là nơi thu mua hầu hết gia cầm chăn nuôi trong tỉnh mà còn là nơi giết mổ, sơ chế một lượng lớn gia cầm của tỉnh Đồng Nai cung ứng cho thị trường Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Tuy nhiên, đến nay đã có 9/10 cơ sở giết mổ gia cầm ngưng hoạt động, cơ sở còn lại cũng giảm 1/3 công suất khiến người nuôi gà ở cả Long An và Đồng Nai không biết bán đi đâu. Hiện nay, số lượng gà trắng đủ ngày giết mổ tồn lại rất lớn, giá bán đã hạ xuống dưới 9.000 đồng/kg nhưng vẫn không có đầu ra.
Không chỉ Đồng Nai, Long An, mà giá gà trắng tại các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu đều đã xuống chạm đáy, ở mức từ 6.000 - 7.000 đồng/kg; có nơi chủ trại muốn cho không để bớt chi phí thức ăn nhưng cũng không ai dám nhận.

Việc vận chuyển gà sang khác khu vực khác ít bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 hơn cũng không khả thi do tình trạng ách tắc cục bộ trong việc lưu thông sản phẩm gia súc, gia cầm. Các đơn vị giết mổ khu vực khác cũng không dám nhận vận chuyển gà sống vì chỉ cần trục trặc trên đường đi, gà sẽ chết nhanh và thiệt hại lớn.
Ông Dương Tất Thắng, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi phân tích, giá gà trắng giảm sâu tại các tỉnh phía Nam là do nhu cầu tiêu thụ tại các kênh đều giảm. Gà thịt công nghiệp chủ yếu được tiêu thụ tại các chợ đầu mối, phân phối về khu công nghiệp, khu chế xuất, bếp ăn công nghiệp, các hệ thống thức ăn nhanh.

Tuy nhiên từ khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh, nhiều khu công nghiệp giãn cách, bếp ăn tập thể giảm số lượng suất ăn nên nhu cầu gà giảm. Trong khi đó, nếu muốn trữ đông đợi sức mua phục hồi thì cũng phải qua giết mổ, sơ chế.
Trước tình thế trên, Tổ công tác tiền phương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tp. Hồ Chí Minh đang kiến nghị Tp.Hồ Chí Minh xem xét mở các điểm trung chuyển hàng hóa tại các chợ đầu mối để hỗ trợ việc phân phối các loại nông sản, thực phẩm.

Tổ công tác Bộ Nông nghiệp cũng đã kết nối với các doanh nghiệp có nhà máy giết mổ công suất lớn chuẩn bị phương án tăng công suất giết mổ để bù vào phần thiếu hụt do các cơ sở nhỏ lẻ dừng hoạt động.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cũng đề nghị các tỉnh, thành đang thực hiện Chỉ thị 16 hướng dẫn các chốt kiểm soát dịch tạo điều kiện cho các phương tiện vận chuyển gia súc gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm lưu thông xuyên suốt.

Yêu cầu ngành nông nghiệp các địa  phương tăng cường cập nhật thông tin cung cầu, lấy liên kết chuỗi làm trung tâm để điều tiết kịp thời, hạn chế thấp nhất nơi thừa nơi thiếu.

Đồng thời, quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ tạo điều kiện an toàn phòng dịch để các cơ sở chế biến giết mổ sớm hoạt động trở lại; ưu tiên tiêm vaccine và tổ chức test nhanh tại các cơ sở chế biến, giết mổ để nhanh chóng khắc phục sự đứt gãy trong chuỗi chăn nuôi – giết mổ – tiêu thụ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục