Galaxy Fold: Canh bạc nhiều rủi ro của Samsung

09:43' - 30/04/2019
BNEWS Chiếc smartphone màn hình gập Galaxy Fold của ”đại gia” công nghệ Samsung Electronics được dự kiến mở bán vào cuối tháng Tư với mức giá lên tới 1.980 USD.

Đây là dòng smartphone được kỳ vọng sẽ mở ra một kỷ nguyên mới và tạo ra những tiêu chuẩn mới cho các thiết bị cầm tay trong tương lai.

Đáng tiếc là ngày 22/4 Samsung thông báo hoãn ra mắt siêu phẩm này tại Mỹ trong một khoảng thời gian chưa xác định sau khi nhận các ý kiến phản hồi về lỗi màn hình trên sản phẩm mới.

Mẫu điện thoại gập Galaxy Fold của Samsung được giới thiệu tại San Francisco, California, Mỹ, ngày 20/2/2019. Ảnh: Yonhap/ TTXVN

Trước khi mở bán, Samsung đã gửi một số bản mẫu cho giới chuyên gia để trải nghiệm. Và những gì họ nhận xét sau đó không hoàn toàn tích cực, trong đó đáng chú ý là việc màn hình gập của Galaxy Fold – yếu tố được giới đam mê công nghệ đặc biệt lưu tâm đã gặp lỗi chỉ sau vài ngày sử dụng.
* Phần mềm khá hoàn hảo

Nhận xét về phần mềm, giới chuyên gia hầu như không hề tỏ ra lo ngại khi Galaxy Fold được trang bị “bộ khung” tương đương với mẫu smartphone cao cấp Galaxy S10 Plus của Samsung.

Galaxy Fold được trang bị bộ vi xử lý hiện đại bậc nhất hiện nay là Snapdragon 855, bên cạnh dung lượng RAM 12 GB khá “khủng” và bộ nhớ trong 512 GB.

Thông số siêu ấn tượng khác của Galaxy Fold là thời lượng pin lên tới 4.380 mAh so với mức trung bình khoảng trên dưới 3.000 mAh của các mẫu smartphone hiện tại.
Ngoài ra, Galaxy Fold có tổng cộng sáu camera. Ba ống kính phía mặt lưng có thiết kế lồi với độ phân giải lần lượt 8 MP, 12 MP và 16 MP.

Mẫu điện thoại gập Galaxy Fold của Samsung được giới thiệu tại San Francisco, California, Mỹ, ngày 20/2/2019. Ảnh: AFP/ TTXVN

Cụm camera kép ở màn hình chính tương tự như của Galaxy S10+, gồm một chiếc 10MP và 8MP nhằm đảm bảo chất lượng hình ảnh cao và khả năng xóa phông ưu việt hơn các dòng cũ. Còn chiếc camera selfie ở màn hình trước cũng là Dual Pixel 10MP tương tự như trên Galaxy S10.
Một điểm đáng chú ý là Galaxy Fold được trang bị tính năng App Continuity. Nếu người dùng mở một ứng dụng trên màn hình nhỏ, nó sẽ chuyển sang chế độ hiển thị toàn diện trên màn hình lớn ngay khi chiếc điện thoại được mở ra.

Việc các ứng dụng có thể thay đổi kích thước cũng cho phép Galaxy Fold thể hiện khả năng đa nhiệm, với chế độ chia đôi màn hình cùng tùy chọn thêm một cửa sổ thứ ba. Cần lưu ý là không phải tất cả các ứng dụng hiện tại đều hỗ trợ tính năng này.
* Trở ngại ở phần cứng
Tuy nhiên, vấn đề của Galaxy Fold không phải ở phần mềm mà là phần cứng.
Đập ngay vào mắt người dùng khi mở Galaxy Fold chính là nếp gấp ở giữa màn hình lớn, đặc biệt là khi nhìn từ một góc không trực diện. Tệ hơn nữa là hai nửa bị phân chia hiển thị hai nhiệt độ màu khác nhau (một bên lạnh hơn, bên kia nóng hơn) khi không nhìn thẳng.
Bên cạnh đó, Galaxy Fold không được xếp hạng IP về khả năng chống nước hoặc chống bụi, một phần do thiết kế bản lề của nó. Khi được đóng lại, có những khe hở dài và mỏng giữa bản lề và hai nửa của chiếc điện thoại này.

Một số chuyên gia bày tỏ sự lo lắng về độ bền của bề mặt màn hình Galaxy Fold nếu một số mảnh sắc nhọn hoặc nước mưa xâm nhập vào điện thoại thông qua những khoảng trống đó.
Song, điều đáng lo ngại nhất là một số chiếc Galaxy Fold được gửi cho giới chuyên gia trải nghiệm đã hỏng màn hình chỉ ít ngày sau khi bắt đầu sử dụng. Theo đó, một số người phản hồi màn hình của Galaxy Fold bị vỡ, phồng lên, xuất hiện “nếp nhăn” hoặc hiển thị chập chờn.
Trong một số trường hợp, nguyên nhân được cho là vì chuyên gia đã xé bỏ lớp bảo vệ màn hình đi kèm - một yếu tố đã được Samsung xác định là vô cùng quan trọng để đảm bảo tính toàn vẹn cho màn hình. Samsung sau đó cho biết sẽ gắn kèm cảnh báo không tháo miếng bảo vệ này cho những chiếc Galaxy Fold bản thương mại.

Điện thoại Galaxy Fold của Samsung được giới thiệu tại San Francisco, Mỹ, ngày 20/2/2019. Ảnh: Yonhap/ TTXVN

Tuy nhiên, vấn đề màn hình xuất hiện “nếp nhăn”, phồng lên ở phần bản lề hoặc hiển thị chập chờn ở một bên thì chưa có lời giải thích rõ ràng. Những mẫu bị lỗi hiện đã được gửi lại cho Samsung để điều tra và giới chuyên gia vẫn đang suy đoán về nguyên nhân thực sự của những lỗi này.
Trước đây, Samsung đã khẳng định màn hình gập của họ có thể chịu được 200.000 lượt gấp, tương đương trung bình 100 lần/ngày trong suốt 5 năm. Lời khẳng định này giờ đây thật đáng nghi ngại khi một số chiếc chỉ “lành lặn” trong chưa đến 48 giờ.
*“Canh bạc” nhiều rủi ro của Samsung
Trong bối cảnh doanh số bán smartphone toàn cầu nhìn chung đã đạt đỉnh hồi năm 2016 và có xu hướng giảm dần, có thể nói các nhà sản xuất smartphone “đánh bạc” với yếu tố hình thức mới nhằm thúc đẩy làn sóng mua hàng mới và cho phép họ tăng giá bán trung bình.

Đó là lý do tại sao ngoài Samsung, các công ty khác như Huawei, Xiaomi, Lenovo và Motorola đều đang nỗ lực chạy đua để phát triển các mẫu smartphone có thể gập lại.
Samsung chắc chắn là cái tên quan trọng nhất trong số những công ty này. Không chỉ bởi họ là một trong những nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới mà còn bởi Samsung bán cả công nghệ của họ cho các công ty khác.

Theo một số ước tính, trên thực tế Samsung đã kiếm được nhiều lợi nhuận hơn từ việc cung cấp màn hình đi-ốt phát sáng hữu cơ (OLED) cho iPhone X của Apple so với doanh thu từ chiếc Galaxy S8 do chính họ sản xuất. Nếu Samsung hoàn thiện được công nghệ màn hình gập, Apple hoàn toàn có thể áp dụng nó cho một mẫu iPhone mới trong tương lai.
Nhưng với một loạt những sự cố ngay trước khi chính thức mở bán, cơn ác mộng của Samsung sẽ là Galaxy Fold trở thành một Google Glass khác. Chiếc kính thông minh của Apple được chính thức mở bán hồi tháng 5/2014 nhưng rồi bị dừng bán ngay đầu năm 2015.

Những lý do cho sự thất bại của Google Glass bao gồm một mức giá quá đắt (1.500 USD) trong bối cảnh công nghệ chưa sẵn sàng và vấn đề thời trang. Một số nhà quan sát cho rằng chính “cú ngã ngựa” của Google Glass đã đẩy nhu cầu về kính thực tế tăng cường (AR) thụt lùi tới vài năm.
Không thể phủ nhận Galaxy Fold đại diện cho một cách suy nghĩ mới về những gì smartphone hiện đại có thể làm được, đồng thời là một thành tựu công nghệ kỹ thuật ấn tượng. Nhưng Samsung phải rất cẩn thận để không “bóp nghẹt” tương lai của không chỉ chiếc smartphone này mà còn cả thị trường tiềm năng trước khi nó được bắt đầu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục