Gần 1/2 dự án BOT do Tổng cục Đường bộ quản lý giảm mạnh doanh thu

14:59' - 29/04/2019
BNEWS Tổng cục Đường bộ Việt Nam (DRVN) vừa có văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về nhiều dự án BOT có doanh thu sụt giảm, khiến nguy cơ bị phá vỡ phương án tài chính của các dự án.
Dự án hầm đường bộ Đèo Cả có doanh thu giảm 95%. Ảnh minh hoạ: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Cụ thể, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong số 57 dự án BOT do cơ quan này quản lý, có 27 dự án có doanh thu năm 2018 tăng so với phương án tài chính dự kiến trong hợp đồng.

Tuy nhiên, có 26 dự án doanh thu năm 2018 giảm so với phương án tài chính. Có 4 dự án còn lại do mới vận hành, khai thác nên chưa đánh giá.

Với 27 dự án có doanh thu tăng trong năm 2018, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết chủ yếu do lưu lượng tăng so với dự kiến trong hợp đồng.

Đứng đầu là dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đạt doanh thu trên 700 tỷ đồng, tăng trên 110% so với doanh thu dự kiến.

Tiếp đó là dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km579 - Km605 và đoạn Km617 - Km641 qua tỉnh Quảng Bình, doanh thu đạt trên 220 tỷ đồng, tăng 111%.

"Đối với 26 dự án có doanh thu giảm, nguyên nhân chính là do lưu lượng thực tế thấp hơn so với dự kiến hợp đồng, tỷ lệ tăng trưởng doanh thu thực tế thấp hơn so với tỷ lệ tăng trưởng doanh thu dự kiến; bên cạnh đó, phải phân lưu lượng phương tiện sang tuyến đường song hành hoặc giảm giá vé dịch vụ sử dụng đường bộ và giảm giá cho khu vực lân cận trạm thu phí”, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông tin.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong số những dự án giảm doanh thu lớn có dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang, doanh thu năm 2018 đạt hơn 460 tỷ đồng, giảm 87%.

Tiếp đó là dự án BOT hầm đường bộ Phú Gia - Phước Tượng đạt doanh thu trên 260 tỷ đồng, giảm trên 90%. Dự án hầm Đèo Cả doanh thu hơn 450 tỷ đồng, giảm 95%...

Cùng đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đánh giá, hiện có một số dự án lượng phương tiện qua lại trên tuyến vẫn tăng đều đặn, nhưng doanh thu vẫn sụt giảm do tỷ lệ sử dụng vé tháng/quý cao bất thường so với phương án tài chính hoặc do phải giảm giá vé dịch vụ sử dụng đường bộ và miễn giảm phí cho khu vực lân cận trạm thu phí như: BOT Quốc lộ 1 qua Quảng Nam, BOT Nam Cầu Giẽ...

Văn bản của Tổng cục Đường bộ cho biết, theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, hiện có 32% dự án BOT đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu thu phí không đạt như dự kiến, dư nợ cho vay đối với các dự án này vào khoảng 43.000 tỷ đồng.

"Việc các dự án có doanh thu thu phí không đạt như phương án tài chính dự kiến có thể sẽ dẫn đến rủi ro phải cơ cấu nợ, chuyển nhóm nợ, phát sinh nợ xấu cho các ngân hàng thương mại.

Trong khi đó, các khoản vay của các dự án BOT, BT giao thông có mức vay lớn, thời gian vay vốn dài (chủ yếu 15-20 năm), trong khi nguồn vốn của các ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn", Ngân hàng Nhà nước phân tích.

Để giảm thiểu rủi ro trong cho vay, tăng tính khả thi của các dự án, thu hút các tổ chức tín dụng tham gia tài trợ các dự án giao thông, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tham mưu Thủ tướng Chính phủ tập trung xử lý dứt điểm các vướng mắc liên quan đến thu phí, đồng thời đẩy mạnh triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng trên toàn quốc theo Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục