Gần 30% diện tích Trung du và Đồng bằng Bắc bộ đã có nước gieo cấy

14:18' - 23/01/2018
BNEWS Đợt 1 lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2017-2018, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ có 180.190 ha đã có nước, đạt 29,5% tổng diện tích gieo cấy theo kế hoạch.
Nhiều địa phương đã chủ động lấy nước sớm cho gieo cấy vụ Đông Xuân 2017-2018. Ảnh: TTXVN
Theo Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đợt 1 lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2017-2018, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ có 180.190 ha đã có nước, đạt 29,5% tổng diện tích gieo cấy theo kế hoạch, so với thời điểm kết thúc đợt 1 lấy nước năm 2016-2017 cao hơn khoảng 5,2%.

Các địa phương diện tích có nước đạt cao như: Nam Định 71,5%, Phú Thọ 62,9%, Ninh Bình 59,7%, Hà Nam 43,7%, Hải Dương 23,73%, Thái Bình 23,0%, Vĩnh Phúc 20,8%.

Diện tích lấy nước của một số địa phương đạt cao do được cấp nguồn tích trữ từ mùa mưa năm 2017, các địa phương chủ động lấy nước sớm, lợi dụng thủy triều và sông, suối nội địa.

Theo Tổng cục Thủy lợi, chất lượng nước tại một số công trình thủy lợi trước đợt lấy nước kém, không bảo đảm tiêu chuẩn cung cấp cho sản xuất nông nghiệp, điển hình như tại huyện Duy Tiên, Hà Nam (hệ thống sông Nhuệ), huyện Cẩm Giàng, Hải Dương (hệ thống Bắc Hưng Hải)… Các đơn vị khai thác công trình thủy lợi phải sử dụng nguồn nước từ 1-2 ngày đầu đợt 1 để thau rửa hệ thống thủy lợi, cải thiện chất lượng nước.

Bên cạnh đó, mực nước hạ du sông Hồng một số thời điểm chưa đạt 2,2 m nên mực nước tại 1 số cửa lấy nước ở thành phố Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh thấp hơn mức yêu cầu và so với các đợt lấy nước các năm trước.

Để đẩy nhanh tiến độ lấy nước phục vụ làm đất, Tổng cục Thủy lợi đề nghị các địa phương cần tập trung tối đa phương tiện để lấy nước vào hệ thống thủy lợi, đưa nước lên ruộng trong thời gian trước và trong đợt 2 lấy nước, nhất là các địa phương đang có diện tích lấy nước thấp.

Các địa phương gặp khó khăn về nguồn nước do hệ thống kênh mương trong nội địa chưa thông thoáng cần tiếp tục kiểm tra, giải quyết xong trước thời gian lấy nước đợt 2. Cùng với đó, tuyên truyền, vận động nhân dân phối hợp với các đơn vị khai thác công trình thủy lợi tranh thủ đưa nước và quản lý nước trên ruộng chặt chẽ.

Đợt 2 lấy nước sẽ bắt đầu từ 0h ngày 28/1 đến hết ngày 4/2 (tổng cộng 8 ngày). Đây là đợt lấy nước chủ yếu cho tất cả các địa phương trong khu vực.

Để bảo đảm mực nước cho các địa phương lấy nước đợt 1 (16-19/1); trong đó, tại Hà Nội đạt +2,2m, các hồ chứa thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà đã tăng cường phát điện, bổ sung nước cho hạ du từ 0h ngày 13/1.

Thực tế, từ ngày 14/1 (trước thời điểm lấy nước chính thức 2 ngày), mực nước sông Hồng tại Hà Nội đã được dâng cao. Cụ thể, mực nước trung bình ngày 14/1 là 2,05m, cao nhất đạt 2,15m; ngày 15/1 là 2,17m, cao nhất đạt 2,3m. Tính trung bình toàn đợt 1 lấy nước, mực nước trung bình đạt 2,1 m, lớn nhất đạt 2,3 m. Tổng lượng xả của các hồ chứa thủy điện trong đợt 1 khoảng 1,48 tỷ m3 nước .

Nhìn chung, dòng chảy sông Hồng chỉ được duy trì ở mức cơ bản xấp xỉ mức yêu cầu (yêu cầu thấp nhất +2,2 m). Nguyên nhân là nhà máy thủy điện Hòa Bình chỉ vận hành được 7/8 tổ máy (1 tổ máy đang vào thời kỳ thay thế thiết bị định kỳ). Các nhà máy thủy điện đã chạy hết công suất nhưng dòng chảy chưa đạt yêu cầu.

Vụ Đông Xuân năm 2017-2018, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ gieo cấy tổng cộng 611.800 ha lúa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục