Gần 42.800 tỷ đồng chảy vào kênh trái phiếu doanh nghiệp

16:00' - 05/07/2023
BNEWS VBMA cho biết, nửa đầu năm 2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 42.783 tỷ đồng.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), nửa đầu năm 2023, tổng giá trị phát hành trái phiếudoanh nghiệp được ghi nhận là 42.783 tỷ đồng.

Cụ thể, có 7 đợt phát hành ra công chúng trị giá 5.521 tỷ đồng, chiếm 12,9% tổng giá trị phát hành và 35 đợt phát hành riêng lẻ trị giám 37.262 tỷ đồng, chiếm 87,1% .

Con số này giảm rất mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2022, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đạt 257.857 tỷ đồng.

Theo VBMA, tính đến ngày công bố thông tin 30/6/2023, có 13 đợt phát hành trái phiếu phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được ghi nhận trong tháng 6 với tổng giá trị 8.170 tỷ đồng. Trong khi đó, tháng 5/2023, chỉ có duy nhất một doanh nghiệp phát hành thành công với tổng giá trị 2.600 tỷ đồng.

Bất động sản là nhóm ngành với khối lượng phát hành lớn nhất trong tháng, với tổng giá trị phát hành là 3.880 tỷ đồng, chiếm 47,5%, theo sau là nhóm ngân hàng với 2.890 tỷ đồng, chiếm gần 35,4%.

 

Theo dữ liệu VBMA tổng hợp từ HNX, tính đến ngày công bố thông tin 30/6/2023, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 31.591 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 6. Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 110.448 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong phần còn lại của năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 158.500 tỷ đồng. Phần lớn giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với 80.952 tỷ đồng, chiếm 51%, theo sau là nhóm ngân hàng với 27.261 tỷ đồng, chiếm 17,2%.

Ngày 17/5/2023, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 30/2023/TT-BTC hướng dẫn việc đăng ký, lưu ký và giao dịch trái phiếu riêng lẻ tại thị trường trong nước, có hiệu lực từ 1/7/2023.

Quy định mới được kỳ vọng sẽ giúp tăng thanh khoản cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thứ cấp, đồng thời tăng tính minh bạch và chuẩn hóa của thị trường này.

Bên cạnh đó, theo tổng hợp ý kiến của các thành viên VBMA, quy định thời hạn 3 tháng tính từ 16/6/2023 để hoàn thành thủ tục đăng ký, lưu ký và đăng ký giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ còn dư nợ được phát hành theo Nghị định số 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế và Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP là một trong những điểm quan ngại của thành viên thị trường, cần các hướng dẫn cụ thể của cơ quan quản lý để đảm bảo thực hiện quy định trong thực tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục