Gần 560 tỷ đồng thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm

13:39' - 26/04/2019
BNEWS Ngày 26/4, UBND tỉnh Cà Mau đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh nhằm triển khai chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” (chương trình OCOP).

Đề án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì, được thực hiện tại 101 xã, phường, thị trấn thuộc 9 huyện, thành phố. Nguồn vốn thực hiện chương trình này hơn 557 tỷ đồng.

Tỉnh Cà Mau có nhiều tiềm năng về sản phẩm nông nghiệp dựa trên các lợi thế tài nguyên nông nghiệp. Theo kết quả khảo sát tại 902 hộ dân của 9 huyện, thành phố cho thấy, có 13 nhóm sản phẩm đặc trưng thuộc 5 trong 6 nhóm sản phẩm OCOP. Đây là điều kiện cần thiết để xây dựng đề án chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử khẳng định, thực hiện thành công chương trình OCOP là điều kiện cơ bản, góp phần cho sự thành công của chương trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Chính vì vậy, Chương trình OCOP phải lựa chọn sản phẩm độc đáo, đặc trưng của địa phương đáp ứng yêu cầu trong nước và mục tiêu xuất khẩu. Qua đó, phát huy được tính sáng tạo của moi người, mỗi cộng đồng dân cư trong xây dựng hệ thống cơ quan quản lý phát huy được thế mạnh của từng sản phẩm.

Nhìn từ hiệu quả, lợi ích kinh tế và hài lòng của người dân Nhật Bản, sau đó là sự lan tỏa đến nhiều châu lục với hơn 40 nước tham gia thực hiện và thực hiện thành công chương trình này.

Chương trình đã góp phần phát triển kinh tế dựa vào tiềm năng thế mạnh của địa phương, trao quyền chủ động cho chủ thể sản xuất gắn với sự hỗ trợ của nhà nước, đáp ứng thực chất nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Trong thời gian tới, chương trình OCOP được dự báo là có nhiều khả năng mang lại hiệu quả cao hơn trong sản xuất nông thôn. Từ đó, góp phần thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Tại hội nghị, các chuyên gia đến từ Ban điều phối nông thôn mới, các trường đại học cũng đã giới thiệu về các kết quả, kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới và tỉnh Quảng Ninh khi áp dụng, thực hiện chương trình.

Đồng thời, giới thiệu những văn bản của Trung ương, chia sẻ trao đổi về trình tự thực hiện trong thời gian tới; trình bày kết quả khảo sát nghiên cứu các sản phẩm có tiềm năng của tỉnh và dự thảo Đề án tại Cà Mau giai đoạn 2018- 2020, định hướng đến năm 2030./.

Xem thêm:

>>Ra mắt mạng lưới liên kết hợp tác toàn cầu iOCOP

>>Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: OCOP là động lực mới phát triển nông thôn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục