Gần 634.500 lượt khách hàng được vay vốn từ chương trình chính sách ở Cần Thơ

12:45' - 04/10/2022
BNEWS Sáng 4/10, UBND thành phố Cần Thơ tổ chức hội nghị Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Qua 20 năm thực hiện chương trình tín dụng chính sách, nguồn vốn cho vay trên địa bàn thành phố không ngừng tăng trưởng và đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

 

Từ hai chương trình tín dụng ban đầu (cho vay giải quyết việc làm và cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn), đến nay Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Cần Thơ đang thực hiện 18 chương trình tín dụng chính sách với doanh số cho vay đạt trên 9.007 tỷ đồng, với gần 634.500 lượt khách hàng được vay vốn.

20 năm đồng hành cùng người nghèo, tín dụng chính sách đã giúp gần 635.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác ở Cần Thơ được vay vốn, góp phần giúp cho trên 85.900 hộ thoát nghèo, cận nghèo; giúp cho 60.550 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập,... Nguồn vốn tín dụng chính sách cũng đầu tư vào nhiều mô hình làm ăn hiệu quả và góp phần nhân rộng 17 mô hình giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Tại hội nghị, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Dương Quyết Thắng đánh giá quá trình triển khai hoạt động xuyên suốt 20 năm qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Cần Thơ tuy còn nhiều khó khăn nhưng luôn phát huy tinh thần “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ” để vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần vào thành công chung của công cuộc triển khai tín dụng chính sách trên địa bàn nói riêng và thành công của toàn hệ thống nói chung.

Để hoạt động tín dụng chính sách tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được sau 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, khắc phục những khó khăn, tồn tại để tiếp tục tham mưu triển khai, phát huy tốt hơn nữa vai trò của Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc gắn tín dụng chính sách xã hội với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ Phạm Văn Hiểu biểu dương những kết quả đạt được hết sức tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố đã góp phần làm nên những thành tựu quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ.

Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã có những đóng góp hiệu quả và thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn thành phố. Thành tựu của tín dụng chính sách được đánh giá là “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội của thành phố Cần Thơ.

Tuy nhiên, qua 20 năm triển khai Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn thành phố vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như báo cáo đã nêu; tình trạng tái nghèo, tỷ lệ lao động thất nghiệp, có việc làm không ổn định còn cao; công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ một số nơi còn chưa kịp thời...

Đề nghị Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Cần Thơ tiếp tục phát huy tốt vai trò, hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội địa phương, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ Phạm Văn Hiểu cũng lưu ý, ngân hàng tiếp tục quán triệt nâng cao nhận thức về tầm quan trọng Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ; Chỉ thị 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đến tất cả các chi bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể, nhân dân hiểu rõ vai trò, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thực hiện mục tiêu giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội.

Song song đó, ngân hàng tập trung huy động nguồn lực, tranh thủ tối đa nguồn vốn từ trung ương; thường xuyên kết nối các doanh nghiệp, tổ chức ủy thác nguồn vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội để các đối tượng chính sách có liên quan được vay vốn. Từ đó, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách; thực hiện giảm nghèo bền vững và các chính sách an sinh xã hội.

Ông Phạm Văn Hiểu cũng yêu cầu UBND thành phố và các quận, huyện chủ động bố trí sớm, bố trí đủ ngân sách hàng năm ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay ưu đãi theo chỉ tiêu Trung ương giao và theo hướng tăng dần hằng năm; nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách hiệu quả; tạo điều kiện cho Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức hội nhận ủy thác triển khai chương trình tín dụng chính sách; thường xuyên rà soát, nắm bắt các hạn chế, vướng mắc trong thực hiện tín dụng chính sách tại cơ sở để tháo gỡ kịp thời; đồng thời báo cáo, đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, các bộ ngành trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách phù hợp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của tín dụng chính sách, đáp ứng nhu cầu của người dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục