Gần 65% công ty Nhật Bản hoạt động ở nước ngoài làm ăn có lãi

08:10' - 13/12/2022
BNEWS Kết quả khảo sát mới nhất của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy khoảng 64,5% chi nhánh, công ty con của các công ty Nhật Bản ở nước ngoài kỳ vọng sẽ có lãi trong năm 2022.

Cuộc khảo sát này do JETRO thực hiện từ ngày 22/8 tới ngày 30/9, với sự tham gia của 7.173 công ty con, chi nhánh và văn phòng đại diện của các công ty Nhật Bản đang hoạt động tại 86 quốc gia/vùng lãnh thổ.

 

Kết quả khảo sát cho thấy 85,5% chi nhánh, công ty con của các công ty Nhật Bản ở Hàn Quốc dự kiến sẽ có lãi trong năm nay. Tỷ lệ này ở Hà Lan là 78,9%, Singapore là 73,5%, Indonesia là 73,2%, Anh (73%) và Ấn Độ (71,9%).

Trong khi đó, dự báo về lợi nhuận của các chi nhánh, công ty con của các công ty Nhật Bản ở Trung Quốc chỉ là 64,9%, giảm 7,3 điểm phần trăm so với năm ngoái, chủ yếu do ảnh hưởng của chính sách "Không COVID" của nước láng giềng, và ở Nga là 50%, chủ yếu do tác động của các biện pháp trừng phạt mà cộng đồng quốc tế áp đặt lên Nga sau khi Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Tính theo lĩnh vực, 79,5% chi nhánh, công ty con của các công ty Nhật Bản đang hoạt động ở nước ngoài trong các lĩnh vực thiết bị văn phòng và truyền thông làm ăn có lãi. Tiếp theo là các tổ chức tài chính (không bao gồm ngân hàng), với tỷ lệ có lãi là 76,1%.

Ở chiều ngược lại, các chi nhánh, công ty con của các công ty Nhật Bản ở nước ngoài hoạt động trong các lĩnh vực khách sạn và du lịch có khả năng thua lỗ cao nhất khi có tới 60,5% cho biết họ không mong chờ có lợi nhuận trong năm nay.

Theo JETRO, mặc dù có gần 65% chi nhánh, công ty con của các công ty Nhật Bản ở nước ngoài có thể sẽ có lãi trong năm nay, gần tương đương so với năm 2019, nhưng triển vọng kinh doanh trong dài hạn của các công ty này khá ảm đạm khi chỉ 45,4% số các chi nhánh, công ty con được hỏi cho biết họ sẽ mở rộng kinh doanh trong từ một đến hai năm tới, giảm so với mức 48,9% trước khi dịch COVID-19 bùng phát.

Mặt khác, khoảng 60% doanh nghiệp sản xuất cho biết họ dự định sẽ xem xét lại chuỗi cung ứng của mình và 57,5% cho biết họ sẽ xem xét thay đổi nhà cung cấp.

Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất cho rằng chi phí nguyên liệu thô tăng cao là nguyên nhân dẫn đến những thay đổi này, trong khi chưa tới 50% cho biết họ có ý định làm như vậy do nguy cơ chuỗi cung ứng bị đứt đoạn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục