Gần 85.000 hộ thoát nghèo nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách

15:37' - 28/09/2022
BNEWS Theo báo cáo của chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hậu Giang, đến nay đã triển khai thực hiện 22 chương trình tín dụng, với dư nợ gần 3.274 tỷ đồng.

Ngày 28/9, tại Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, ông Đồng Văn Thanh đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp trong tỉnh cần tiếp tục nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động, tranh thủ các nguồn vốn ủy thác, chủ động thực hiệt tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả; nâng cao hiệu quả phương thức ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội.

 

Mặt khác, phát triển các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ, nhằm mang lại lợi ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách; tăng cường kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, các ngành, nhất là sự giám sát của cấp ủy chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác vốn vay, đảm bảo mục tiêu tăng cường dư nợ đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả vốn tín dụng chính sách.

Ngoài ra, ông Đồng Văn Thanh cũng lưu ý các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, thiết thực, hiệu quả về tín dụng chính sách xã hội và các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.

Theo bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, bài học kinh nghiệm qua 20 năm, những kết quả đạt được trong triển khai tín dụng chính sách trước hết là do Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách phù hợp.

Đồng thời, trong quá trình triển khai hoạt động, các cấp, các ngành, các tổ chức, đơn vị và cá nhân liên quan đã luôn chủ động tham mưu, rà soát, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế chính sách phù hợp thực tiễn và phù hợp với lòng dẫn, được nhân dân tin tưởng, đồng tình ủng hộ.

Cùng với đó, việc xây dựng và tổ chức thực hiện thành công mô hình tổ chức, phương thức hoạt động tín dụng chính sách phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách, tập trung có hiệu quả các nguồn lực dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Đặc biệt, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, cơ quan liên quan, của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội với Ngân hàng Chính sách xã hội là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sự thành công trong tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách.

Theo báo cáo của chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hậu Giang, đến nay đã triển khai thực hiện 22 chương trình tín dụng, với dư nợ gần 3.274 tỷ đồng, tăng 3.230 tỷ đồng so với thời điểm mới thành lập tỉnh vào năm 2004; nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ 662.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn, với số tiền đã giải ngân trên 8.654,5 tỷ đồng.

Qua đó, đã góp phần giúp cho gần 85.000 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo; thu hút tạo việc làm cho gần 30.000 lượt lao động; giúp hơn 46.000 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng cải tạo hơn 320.000 công trình; trong đó, có 211.736 công trình nước sạch, 108.780 công trình vệ sinh môi trường.

Mặt khác, hỗ trợ vốn để xây dựng hơn 11.000 căn nhà; trong đó gần 2.600 căn nhà trong các cụm, tuyến dân cư vượt lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long; hỗ trợ xây dựng gần 8.300 ngôi nhà cho hộ nghèo; xây dựng và sửa chữa 345 căn nhà cho người có thu nhập thấp,....

Việc hỗ trợ nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, góp phần tích cực cùng địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục