Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm

08:13' - 13/04/2018
BNEWS 2017 là năm đầu tiên hệ thống giáo dục nghề nghiệp chính thức tuyển sinh, tổ chức đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Các học viên thực hành tại Trường Cao đẳng nghề Đắk Lắk. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Năm 2017 đánh dấu mốc quan trọng trong việc thống nhất quản lý nhà nước, phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chính thức được Chính phủ giao quản lý thống nhất hệ thống này (trừ các trường sư phạm).

Liên kết chặt chẽ giữa cơ sở dạy nghề - doanh nghiệp

Tại thời điểm bàn giao quản lý nhà nước, có tất cả 1.989 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong cả nước. Sau khi các bộ, ngành và địa phương tiến hành rà soát, sắp xếp, đến tháng 3/2018, cả nước có 1.974 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giảm 15 cơ sở, cụ thể: 388 trường cao đẳng; 551 trường trung cấp; 1.035 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trong đó cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập chiếm 44%. Mạng lưới cơ sở rộng khắp, phân bố mọi vùng miền cả nước, tạo thêm nhiều cơ hội thuận lợi cho người học khi có nguyện vọng, nhu cầu học nghề.

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm qua công tác tuyển sinh của hệ thống giáo dục đào tạo đã có những bước chuyển biến tích cực, đạt 100% chỉ tiêu theo kế hoạch, nhất là tuyển sinh trung cấp đầu vào là Trung học cơ sở.

Các ngành nghề có kết quả tuyển sinh cao có thể kể đến: Điện Công nghiệp, Công nghệ ô tô, Hàn, Quản trị mạng, Công nghệ thông tin... 45 trường được lựa chọn ưu tiên đầu tư để thành trường chất lượng cao vào năm 2020, đã tuyển sinh được hơn 158.000 chỉ tiêu (tăng 5% so với năm 2016), chiếm 8,5% tổng số chỉ tiêu tuyển sinh trên cả nước.

Chất lượng đào tạo được cải thiện. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đều xác định công tác tuyển sinh là nhiệm vụ trọng tâm, quyết định sự tồn tại, phát triển của cơ sở mình nên đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp tích cực, thiết thực để thu hút học sinh vào học giáo dục nghề nghiệp, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp để giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp; tích cực nâng cao chất lượng đào tạo để xây dựng, khẳng định thương hiệu của cơ sở mình.

Nhiều cơ sở phối hợp với các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh Trung học phổ thông, giúp các em có cơ sở để lựa chọn vào học giáo dục nghề nghiệp.

Tỷ lệ học sinh tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt trên 70%, ở một số nghề đạt trên 90% với mức thu nhập bình quân từ 7-10 triệu đồng/tháng. Trung bình tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp có việc làm ngay sau khi ra trường đạt trên 80%. Những trường có quan hệ tốt với doanh nghiệp, sinh viên có việc làm ngay đạt 100%, mức lương khởi điểm từ 4,6 - 10 triệu đồng/tháng. Một số trường nghề đã cam kết việc làm cho sinh viên ngay từ đầu vào.

Có thể kể đến nhiều trường có uy tín về chất lượng đào tạo nghề, có quan hệ tốt với doanh nghiệp, giúp học sinh, sinh viên tốt nghiệp cao đẳng và trung cấp có việc làm ngay ở mức cao như: Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ, Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng nghề Lilama 2, Trường Cao đẳng nghề số 1 tỷ lệ có việc làm là 100%; Trường Cao đẳng nghề Du lịch Vũng Tàu tỷ lệ có việc làm là 98,5%; Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore tỷ lệ có việc làm là 98%; Trường Cao đẳng nghề Du lịch - Thương mại Nghệ An tỷ lệ có việc làm là 96,4%...

Bà Đỗ Thị Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang cho biết: Năm học 2017-2018, trường đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu 50%. Để thu hút được nhiều học sinh, nhà trường đề ra mục tiêu tuyển sinh ban đầu phải gắn với giải quyết việc làm cho sinh viên. Kết quả đã có 90% sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp; sau 6 tháng, số sinh viên có việc làm tăng lên 97% với mức thu nhập cao, từ 7 - 14 triệu đồng/tháng.

Để có kết quả này, công tác tuyển sinh phải đi đôi với giải quyết việc làm; công tác đào tạo phải đảm bảo chất lượng, đội ngũ giáo viên, chương trình đào tạo phải phù hợp, sát với thực tế của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nhà trường đặc biệt quan tâm đến việc liên kết với doanh nghiệp trong việc đào tạo, cung cấp trang thiết bị, dụng cụ để phục vụ học tập. Bà Hồng cho rằng quan trọng nhất vẫn là việc làm của sinh viên, chất lượng đào tạo và kỹ năng mềm. Bởi thái độ làm việc quyết định thành công của sinh viên.

Nhận thức được vấn đề đó, nhà trường rất chú trọng công tác đào tạo ngoại ngữ, sinh viên được học song hành 2 ngoại ngữ, tiếng Anh và tiếng Hàn. Ngoài ra, liên kết đào tạo với các doanh nghiệp, ví dụ nhóm ngành nghề nào trang thiết bị còn thiếu hoặc chưa hiện đại, doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ...

Tuy nhiên, đây chỉ là một số ít các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cả nước đạt được kết quả này. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp không tuyển đủ chỉ tiêu, thậm chí có trường không tuyển sinh được hệ cao đẳng, xảy ra ở các tỉnh Cao Bằng, Lai Châu, Đắk Nông. Công tác giáo dục nghề nghiệp cũng còn một số bất cập như: Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn cồng kềnh, chồng chéo, trùng lắp ngành nghề đào tạo, hiệu quả hoạt động thấp, chưa hình thành được các trường chất lượng cao đạt trình độ quốc tế...

Cơ cấu tuyển sinh, giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế, chủ yếu vẫn là trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng (chiếm 75%), trình độ trung cấp, cao đẳng chỉ chiếm khoảng 25%. Tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp khó khăn, đặc biệt ở những ngành, nghề nặng nhọc độc hại như: Khoan nổ mìn, công nghệ mạ, chế tạo khuôn mẫu...

Công tác hướng nghiệp trong các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về quyền lợi của mình trong việc tham gia đào tạo nghề, chưa phối hợp chặt chẽ với cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong quá trình đào tạo, đánh giá và tuyển dụng lao động. Có những doanh nghiệp chỉ tuyển dụng lao động phổ thông... Điều này làm ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đào tạo.

Ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nhận định: Hiện, chất lượng đầu vào của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thấp; năng lực đào tạo còn hạn chế; chưa được chú trọng và chưa hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp.

Công tác dự báo thị trường về cung - cầu trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp chưa sát, chưa kịp thời, đặc biệt trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Để thu hút học sinh, đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường cần liên kết chặt chẽ giữa cơ sở dạy nghề - doanh nghiệp, tuy nhiên có rất ít trường nghề làm được việc này. Đa số các cơ sở dạy nghề không đào tạo cho người lao động, việc đào tạo chủ yếu chú trọng vào loại hình của doanh nghiệp nhà nước. Nhiều doanh nghiệp không hợp tác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Chú trọng đào tạo nghề chất lượng cao

Theo dự báo của Cục Việc làm, đến năm 2020, cung lao động đạt 58,3 triệu người; đến năm 2025 là hơn 62 triệu người. Trong tương lai, ngành tập trung nhiều lao động là chế biến chế tạo, kinh doanh bất động sản, dịch vụ -thương mại, du lịch, xây dựng… Hiện Việt Nam đang thiếu rất nhiều lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong khi đó, khoảng hơn 90% số doanh nghiệp không có sự hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước hợp tác. Số công nhân kỹ thuật không có bằng cấp chứng chỉ chiếm tỷ lệ nhiều nhất trong các doanh nghiệp (16,7%); tiếp đến là lao động có chứng chỉ đào tạo ngắn hạn (15%); cuối cùng là trình độ đại học trở lên. Lao động làm việc trong các doanh nghiệp chủ yếu là lao động giản đơn, chiếm gần 24% tổng số lao động.

Điều này cho thấy, với gần 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trải dài trong cả nước, nhưng nhiều cơ sở không thu hút được người học. Tình trạng "thừa thầy thiếu thợ" vẫn diễn ra nhiều năm chưa giải quyết được. Nhiều sinh viên, học sinh học nghề ra trường không tìm được việc làm, tỷ lệ thất nghiệp hàng năm vẫn cao...

Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018.

Chương trình công tác của Bộ đã đặt ra nhiệm vụ cho giáo dục nghề nghiệp là: Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nghề nghiệp chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; ưu tiên đào tạo, đào tạo lại nhân lực đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó tập trung hoàn thiện, triển khai quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập theo lộ trình; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý; xây dựng các chuẩn trong giáo dục nghề nghiệp; gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, việc làm bền vững, an sinh xã hội.

Để giải quyết tình trạng "thừa thầy thiếu thợ", thu hút nhiều sinh viên, học sinh lựa chọn học nghề, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân nêu rõ: Giải pháp duy nhất để xã hội lựa chọn giáo dục nghề nghiệp đó là chất lượng. Nếu học nghề có cơ hội việc làm, thu nhập tốt, người học sẽ lựa chọn. Bên cạnh giải pháp cơ bản là mỗi cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần nâng cao chất lượng đào tạo; đẩy mạnh đổi mới công tác tuyển sinh, cần thay đổi quan điểm từ tuyển sinh sang tuyển dụng. Tuyển sinh của giáo dục nghề nghiệp khác với tuyển sinh đại học.

Đây là quá trình mà người học chọn nghề và chọn trường. Nghề nào có cơ hội việc làm tốt, phù hợp với năng lực và nguồn lực, đảm bảo được việc làm, có chất lượng đào tạo tốt, hỗ trợ được người học nhiều, sẽ được người học lựa chọn.

Khi chưa trả lời được câu hỏi người học sẽ làm ở đâu, thu nhập bao nhiêu, thực tập và thực hành như thế nào..., các trường chưa thể tuyển sinh được. Ngoài ra, các trường cần có kế hoạch truyền thông tổng thể, qua đó phân vai rõ ràng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, các địa phương, các trường làm gì...

Truyền thông có chiến dịch, có thông điệp, điểm nhấn, gắn với người thực, việc thực, sẽ thay đổi được nhận thức chạy theo bằng cấp và không coi trọng giáo dục nghề nghiệp. Trong công tác truyền thông, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mạng xã hội, đẩy mạnh sự tham gia của người học như đại sứ truyền thông.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải coi tuyển sinh chỉ là phần ngọn, phần gốc chính là đầu ra, cụ thể là việc làm. Từ nay đến năm 2020, các trường nghề phải theo cơ chế tự chủ, thay vì tuyển sinh bao nhiêu, đào tạo bấy nhiêu, các trường cần xem thị trường cần gì, từ đó thiết kế lại chuẩn chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra, kết hợp với doanh nghiệp để tuyển sinh, khi đó mới đảm bảo có người học và sinh viên, học sinh có việc làm sau khi tốt nghiệp.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục khảo sát, đánh giá nhu cầu việc làm của người lao động, đặc biệt với học sinh, sinh viên; dự báo cung - cầu thị trường để định hướng cho giáo dục nghề nghiệp, định hướng về việc làm, Thứ trưởng Lê Quân nhấn mạnh./.

>>>Gỡ vướng trong tự chủ tài chính các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục