10 năm xây dựng nông thôn mới: Hướng tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

10:36' - 29/12/2019
BNEWS 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã góp phần đưa bức tranh kinh tế - xã hội ở huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) không ngừng thay đổi theo hướng phát triển đi lên.
Xây dựng nông thôn mới ở huyện Giồng Riềng (Kiên Giang). Ảnh minh họa: TTXVN

Hành trình 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với lộ trình bài bản, sáng tạo, đồng bộ, nhất quán đã góp phần đưa bức tranh kinh tế - xã hội ở huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang không ngừng thay đổi theo hướng phát triển đi lên.
Ông Phan Đình Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng cho biết, xác định xây dựng giao thông nông thôn là khâu đột trung công tác tuyên truyền kết hợp phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, phong trào thi đua làm đường giao thông nông thôn của huyện đã lan tỏa ra từng địa bàn, xóm ấp.
Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, huyện có một hệ thống giao thông liên hoàn thông suốt từ huyện đến trung tâm các xã, ấp bằng bê tông chắc chắn với 258 km tuyến trục chính và 683 km tuyến ngõ xóm. Đồng thời, huyện triển khai và thực hiện tốt công tác thu hút đầu tư và huy động đóng góp của nhân dân để xây dựng 158 cống, 166 trạm bơm điện giúp chủ động nước tưới phục vụ thâm canh cho 92% diện tích sản xuất nông nghiệp.
Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện an toàn 99,1%, 18 xã không còn nhà dột nát, thu nhập bình quân đầu người đến nay 48,7 triệu đồng/người/năm năm 2019; hộ nghèo giảm còn 3,49% năm 2019. Trong 10 năm tổng nguồn kinh phí đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện trên 1.486 tỷ đồng, trong đó nhân dân và mạnh thường quân đóng góp trên 212 tỷ đồng. Điều này khẳng định thành quả to lớn từ việc vận dụng tốt bài học “lấy dân làm gốc”.
Ông Nguyễn Hồng Phương, ấp Đường Gỗ Lộ, xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng cho biết, khi bắt tay vào thực hiện xây dựng nông thôn mới, đến nay đường giao thông nông thôn phát triển khang trang, địa phương xây dựng hợp tác xã, cánh đồng mẫu lớn…. giúp cho đời sống người dân nang lên rõ rệt.

Theo ông Dương Ngọc Em, ấp Đường Gỗ Lộ, xã Long Thạnh, chẳng những gia đình ông mà bà con nông thôn hết sức vui mừng phấn khởi trong thực hiện xây dựng nông thôn mới. Diện mạo nông thôn đã thay đổi rõ nét, cuộc sống người dân ngày ấm no, không còn lo nghèo mà tính đến chuyện vươn lên khá giàu.
Kết cấu hạ tầng nông thôn ở Giồng Riềng giờ phát triển, hệ thống các chợ xã được đầu tư khang trang; thương mại - dịch vụ cũng có bước phát triển đáng kể, tăng trưởng bình quân hàng năm 9,3%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết huyện Đảng bộ đề ra. Vùng quê nông nghiệp ngày nào giờ đây đã là điểm đến của các nhà đầu tư; những cụm, tuyến dân cư tập trung; các cơ sở công nghiệp xay xát, chế biến gạo xuất khẩu…
Từ đó, tạo nên giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp năm 2019 đạt gần 1.000 tỷ đồng, đạt 105,4%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt gần 10.000 tỷ đồng (giá hiện hành), đạt 103,5% kế hoạch. Khoảng cách nông thôn và thành thị dần thu hẹp, điều kiện sinh hoạt và cơ hội làm kinh tế được chia đều cơ hội cho mọi người dân tạo tinh thần phấn khởi, khí thế thi đua lao động làm giàu cho gia đình và quê hương.
Ông Nguyễn Hoàng Nam, Chủ doanh nghiệp tư nhân Nam Dung, khu phố Nội Ô, thị trấn Giồng Riềng cho biết, trong quá trình mở rộng quy mô kinh doanh, chính quyền địa phương đã hỗ trợ cho doanh nghiệp rất nhiều; tạo cơ chế thông thoáng, nên việc kinh doanh thuận lợi.
Giao thông thuận lợi, sản xuất hiệu quả, kinh tế phát triển tác động tích cực đến đời sống nhân dân và niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước làm cho khí thế thi đua xây dựng nông thôn mới ở Giồng Riềng trở nên sôi nổi nhất trong các phong trào cách mạng ở địa phương.

Mặt trận Tổ quốc các cấp phát huy tốt vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, vận động nhiều cách làm hay, hiệu quả, khơi dậy sức dân đã được phát huy mạnh mẽ, như phong trào thắp sáng đường quê, đoạn đường đẹp phủ sáng và vệ sinh làm đẹp các tuyến đường trục chính; cuộc vận động “5 không, 3 sạch” gắn với bảo vệ môi trường xóm ấp của các Hội đã góp phần cổ vũ phong trào ở địa phương không ngừng phát triển.
Ông Phạm Văn Bé, ấp Vinh Đông, xã Ngọc Thuận, huyện Giồng Riềng cho hay, phong trào gắn đèn đường thắp sáng đường quê có lợi cho nhân dân rất nhiều, như kéo giảm tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội. Đây là phong trào được sự đồng tình của người dân rất cao nên bản thân ông cùng bà con trong ấp đã thực hiện và duy trì từ năm 2016 đến nay.
Từ một vùng quê khó khăn, địa bàn rộng, đến nay 18 xã của huyện Giồng Riềng đã về đích nông thôn mới. Giồng Riềng đang tiếp tục dồn sức phấn đấu đạt huyện nông thôn mới vào năm 2020 và thị trấn Giồng Riềng trở thành đô thị loại IV.

Không là huyện điểm nên không được tỉnh Kiên Giang tập trung đầu tư, nhưng với quyết tâm chính trị cùng tư duy nhạy bén, vận dụng khoa học, linh hoạt tình hình thực tế trong bước đi của mình, Đảng bộ chính quyền huyện đã tìm ra con đường ngắn nhất lãnh đạo nhân dân về đích nông thôn mới và được tỉnh chọn là một trong 4 huyện điểm về đích nông thôn mới sau huyện Tân Hiệp.
Theo Bí thư Huyện ủy Giồng Riềng Nguyễn Thanh Phong, con đường xây dựng nông thôn mới ở Giồng Riềng với kế hoạch bài bản, lộ trình cụ thể đã đưa vùng quê nông nghiệp trở thành nơi đáng sống với tất cả người dân. Nông thôn mới là chương trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Vì vậy, kết quả này sẽ là bước đệm để Giồng Riềng tiếp tục khắc phục khó khăn, tận dụng lợi thế tiến tới xây dựng thành công nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục