Gemadept có thể hưởng lợi từ sự phục hồi của thương mại toàn cầu

11:11' - 02/05/2021
BNEWS Doanh thu thuần quý I/2021 của GMD đạt 687 tỷ đồng, tăng 14% so với quý I/2020, lợi nhuận gộp đạt gần 259 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty cổ phần Gemadept (mã chứng khoán: GMD) với mạng lưới cảng rộng khắp trên toàn quốc, sẽ hưởng lời từ sự phục hồi của thương mại toàn cầu khi các nền kinh tế tái mở cửa, cũng như vị thế ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là nhận định của chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt - VDSC.

Thực tế, kết quả kinh doanh quý I/2021 của doanh nghiệp khá tích cực. Cụ thể, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 687 tỷ đồng, tăng 14% so với quý I/2020, lợi nhuận gộp đạt gần 259 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong kỳ, GMD đạt 21,6 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, tăng gần 5 tỷ đồng so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí tài chính giảm được một nửa xuống còn 27,5 tỷ đồng. Hoạt động liên doanh liên kết  đem về khoản lãi 24,7 tỷ đồng. Lãi từ các hoạt động khác tăng gần 5 lần, đạt 14,4 tỷ đồng.

Quý I/2021, lãi sau thuế của doanh nghiệp là 172 tỷ đồng, tăng tới 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo VDSC, Gemalink - cảng nước sâu có quy mô lớn nhất của GMD tại phía Nam, cùng với Cảng Nam Đình Vũ tại Hải Phòng sẽ tiếp nhận thêm nhiều tuyến dịch vụ vận chuyển mới. Qua đó, dẫn dắt mạnh mẽ tăng trưởng sản lượng và lợi nhuận cho GMD trong những năm tới.

Dự án Gemalink do GMD sở hữu 75% và hãng tàu lớn thứ 4 thế giới –CMACGM sở hữu 25%. Cảng Gemalink nằm trong 19 cảng nước sâu trên thế giới có thể đón tàu trọng tải lên đến 200.000 DWT.

Trong tương lai, GMD có thể giảm bớt tỷ lệ sở hữu cho đối tác khác cũng thuộc lĩnh vực Logistics để mang lại thêm nguồn doanh thu thu ổn định cũng như tạo thêm doanh thu tài chính đột biến.

Là công ty niêm yết duy nhất sở hữu và khai thác hệ thống cảng trải dài từ Bắc vào Nam với chuỗi 8 cảng bao gồm cảng nước sâu Gemalink quy mô hàng đầu cả nước đã được đưa vào hoạt động giai đoạn 1 với quy mô 1,5 triệu Teus/năm trong tháng 1/2021. GMD hướng đến mục tiêu năm 2022 sẽ đạt tổng công suất lên đến 5 triệu Teus.   

VDSC cho biết, hãng tàu CMA CGM đứng đầu ở Pháp và lớn thứ ba trên thế giới hiện là cổ đông sở hữu 12,25% tại Cảng Gemalink đã nhanh chóng thiết lập hai tuyến dịch vụ mang tên Columbus JAX và Pacific Express 3 tại Gemalink, bằng cách chuyển các dịch vụ này từ Cảng Quốc tế Cái Mép CMIT, ngay sau khi cảng này bắt đầu hoạt động chính thức vào ngày 19 tháng 1 năm 2021.

Về mặt lý thuyết, Gemalink sẽ phục vụ trung bình ba chuyến tàu mỗi tuần từ các dịch vụ này: một chuyến từ Columbus JAX đến Bờ Tây Mỹ và một chuyến đến Bờ Đông Mỹ, chuyến còn lại từ Pacific Express 3 đi đến Bờ Tây Hoa Kỳ.

Gemalink đã phục vụ 19 tàu mẹ cập cảng trong quý I/2021 và bốc dỡ khoảng 89 nghìn Teus.

GMD cũng là doanh nghiệp duy nhất trong nước cung cấp chuỗi hệ thống Logistics hoàn chỉnh bao gồm: cảng hàng hóa hàng không, trung tâm phân phối hàng hóa, vận tải hàng siêu trường siêu trọng, vận tải biển -thủy, logistics hàng lạnh và logistics ô tô.

Theo VDSC, GMD có thể hưởng lợi từ việc tăng khung giá dịch vụ cảng biển sắp tới. GMD dự kiến giá sàn của dịch vụ xếp dỡ container tại Hải Phòng và Cái Mép - Thị Vải sẽ tăng thêm 10% trong vài tháng tới sau khi Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt về điều chỉnh khung giá dịch vụ cảng biển.

Dự thảo thông tư sửa đổi khung giá này đã được đề xuất vào quý IV/2020 nhưng vẫn chưa được Bộ Giao thông Vận tải thông qua.

Trong dự thảo sửa đổi Thông tư 54/2018/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải, ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam, mức giá tối thiểu đối với dịch vụ hoa tiêu hàng hải, cầu cảng, lai dắt, xếp dỡ container tại các cảng biển được đề xuất tăng theo lộ trình từ năm 2021-2023. Lần tăng khung giá dịch vụ cảng biển gần đây nhất diễn ra vào đầu năm 2019.

Hiện, GMD chưa công bố các chỉ tiêu kinh doanh của năm 2021, nhưng doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục triển khai các dự án trọng điểm nhằm mở rộng quy mô và tạo tiền đề cho các kế hoạch tăng trưởng dài hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Cụ thể, dự án cảng nước sâu Gemalink - Giai đoạn 2 có vị trí tọa lạc ngay tại cửa sông Cái Mép - cửa ngõ đi vào cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, Bà Rịa Vũng Tàu. Tổng vốn đầu tư của dự án là 190 triệu USD với công suất đạt 900.000 Teus/năm. Cỡ tàu tiếp nhận 250.000 DWT. Thời gian triển khai dự kiến quý IV/2021và mục tiêu đưa vào khai thác từ năm 2023.

Dự án cảng Nam Đình Vũ - Giai đoạn 2 có vị trí tại Lô CA1, Khu phi thuế quan và Khu công nghiệp Nam Ðình Vũ, thành phố Hải Phòng có tổng vốn đầu tư gần 1.700 tỷ đồng, công suất là 500.000 Teus/năm, cỡ tàu tiếp nhận là 40.000 DWT. Thời gian triển khai dự kiến quý III/2021và mục tiêu đưa vào khai thác từ năm 2023./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục