Cơ hội kết nối doanh nghiệp dệt may Việt Nam với Đài Loan (Trung Quốc)

17:25' - 29/04/2021
BNEWS Nhằm hướng tới hợp tác bền vững, chương trình “Kết nối giao thương ngành dệt may Việt Nam-Đài Loan (Trung Quốc)có sự tham gia của 7 nhà sản xuất với thương hiệu uy tín trên thế giới.

Tiếp nối thành công sau sự kiện tại Tp. Hồ Chí Minh, Liên đoàn Dệt may Đài Loan (Trung Quốc) cùng phối hợp với Công ty cổ phần Quảng cáo và Hội chợ thương mại (Vinexad) tổ chức chương trình “Kết nối giao thương ngành dệt may Việt Nam-Đài Loan (Trung Quốc) vào ngày 4/5/2021 tại Cung Văn hoá hữu nghị Hà Nội, 91 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Đại diện Công ty Vinexad chia sẻ, với những kỳ vọng hợp tác bền vững trong lĩnh vực dệt may với thị trường Việt Nam, sự kiện lần này có sự tham gia của 7 nhà sản xuất dệt may Đài Loan (Trung Quốc) cùng các thương hiệu đã được khẳng định uy tín trên thế giới.

Đặc biệt, lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) là không ngừng nghiên cứu và áp dụng công nghệ sáng tạo trong sản xuất để cho ra những loại vải sợi với nhiều tính năng ưu việt như kháng khuẩn và chất liệu thân thiện môi trường từ vỏ hàu và nhựa tái chế.

Thống kê cho thấy, năm 2020 xuất khẩu hàng dệt may của Đài Loan (Trung Quốc) đạt 7,53 tỷ USD và hạng mục xuất khẩu nhiều nhất là vải với giá trị xuất khẩu 5,06 tỷ USD, chiếm 67% của tất cả các mặt hàng dệt may xuất khẩu.

Ngoài ra, sản phẩm sợi đứng thứ hai với giá trị xuất khẩu 1,02 tỷ USD và chiếm 14% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may.

Đáng lưu ý, thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Đài Loan (Trung Quốc) trong năm 2020 là Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu lên tới 1,902 tỷ USD và chiếm 25,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may. 

5 thị trường xuất khẩu hàng đầu của thị trường này bao gồm Việt Nam, Trung Quốc đại lục, Hoa Kỳ, Indonesia và Hong Kong (Trung Quốc) chiếm 60,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may.

Cùng với đó, các nguồn nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất và thứ hai của Đài Loan (Trung Quốc) vào năm 2020 là Trung Quốc đại lục và Việt Nam, chiếm 43% và 14% tổng kim ngạch nhập khẩu và trị giá lần lượt là 1,459 tỷ USD và 0,467 tỷ USD. Các mặt hàng nhập khẩu chính từ Trung Quốc đại lục và Việt Nam là quần áo và phụ kiện, lần lượt chiếm 47% và 16%.

Ngoài việc tạo sự khác biệt bằng cách tạo ra các giá trị gia tăng từ việc lựa chọn vật liệu độc đáo thông qua công nghệ, các nhà sản xuất dệt may Đài Loan (Trung Quốc) còn thể hiện sự nhạy bén với xu hướng thời trang và khả năng kiến tạo các cơ hội kinh doanh rộng mở.

Theo đại diện công ty Vinexad, mặc dù vẫn có những hạn chế đi lại do ảnh hưởng của dịch bệnh, sự kiện lần này sẽ mở lối thông thương bằng hình thức gặp gỡ hai đầu cầu Việt Nam – Đài Loan (Trung Quốc) bằng hình thức giao thương trực tuyến.

Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được ban tổ chức gửi thư mời trước và sắp xếp các cuộc đặt hẹn trước, cuộc trao đổi sẽ thông qua phần mềm Zoom trực tuyến hỗ trợ phiên dịch song song./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục