"Ghế nóng" Kienlongbank tiếp tục có thay đổi

21:11' - 04/05/2021
BNEWS Bà Trần Thị Thu Hằng sẽ chính thức giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng nhiệm kỳ 2018-2022 kể từ ngày 26/5/2021.
Ngày 4/5, Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank - Mã chứng khoán: KLB) phát đi thông cáo báo chí cho biết, bà Trần Thị Thu Hằng sẽ chính thức giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng nhiệm kỳ 2018-2022 kể từ ngày 26/5/2021.

Theo đó, ngày 3/5, Kienlongbank đã tổ chức cuộc họp Hội đồng quản trị thông qua việc thôi giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị đối với ông Lê Hồng Phương kể từ ngày 3/5/2021, thông qua Đơn từ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2018-2022 của ông Lê Hồng Phương theo nguyện vọng cá nhân và sẽ trình Đại hội đồng cổ đông tại phiên họp gần nhất để biểu quyết thông qua.

Đồng thời, Hội đồng quản trị thống nhất phân công bà Trần Thị Thu Hằng - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, giữ chức danh Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị phụ trách hoạt động Hội đồng quản trị Kienlongbank từ ngày 3/5/2021 đến hết ngày 25/5/2021 và chính thức giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2018-2022 kể từ ngày 26/5/2021.

Bà Trần Thị Thu Hằng sinh năm 1985, là Thạc sĩ Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Bà Hằng đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư SIPT, Tổng giám đốc điều hành Công ty CP Tập đoàn Sunshine và cũng từng giữ nhiều chức vụ điều hành quan trọng tại các doanh nghiệp khác.

Bà Trần Thị Thu Hằng tham gia Hội đồng quản trị Kienlongbank từ tháng 1/2021 và được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị vào đầu tháng 2/2021.

Trong khi đó, ông Lê Hồng Phương, người vừa từ nhiệm chức danh chủ tịch Hội đồng quản trị Kienlongbank, chỉ vừa mới ngồi "ghế nóng" được 2 tháng.

Tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 diễn ra mới đây, Kienlongbank đã thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2021 là 1.000 tỷ đồng, bổ sung tên viết tắt bằng tiếng Anh là KSBank và dự kiến chia cổ tức năm 2021 là 17%.

Mục tiêu tổng tài sản hợp nhất năm 2021 là 66.800 tỷ đồng (tăng 16,62%); tổng nguồn vốn huy động là 59.400 tỷ đồng (tăng 14,08%); tổng dư nợ cấp tín dụng là 44.600 tỷ đồng (tăng 28,47%). Các chỉ tiêu kế hoạch thực hiện theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Tính đến ngày 31/3/2021, tỷ lệ nợ xấu của Kiên Long là 1,19%, giảm 3,22% so với tỷ lệ nợ xấu ngày 31/12/2020. Lãi phải thu từ hoạt động tín dụng là 509 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ lãi phải thu từ hoạt động tín dụng /tổng tài sản là 0,82% và tỷ lệ lãi phải thu từ hoạt động tín dụng /tổng dư nợ là 1,42%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Ngân hàng Kiên Long đạt 702,62 tỷ đồng. 

Bà Trần Tuấn Anh – Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Ngân hàng Kiên Long cho biết: "Nguyên nhân chủ yếu làm cho lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng trưởng cao là do trong quý I/2021, ngân hàng đã phối hợp với khách hàng xử lý toàn bộ tài sản bảo đảm, hoàn thành việc thu hồi nợ gốc và lãi phải thu của các khoản cho vay có tài sản bảo đảm là cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB) theo Phương án cơ cấu lại Ngân hàng Kiên Long gắn với xử lý nợ xấu đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt”.

Đại hội cũng thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 3.236 tỷ đồng lên hơn 3.652 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2020 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 13%. Toàn bộ phần vốn tăng từ phát hành cổ phiếu được dự kiến sử dụng cho việc đầu tư tài sản cố định, hệ thống công nghệ thông tin, trang bị cơ sở vật chất, mở rộng mạng lưới hoạt động và bổ sung nguồn vốn đầu tư kinh doanh sinh lời của ngân hàng.

Kienlongbank cũng sẽ bổ sung tên viết tắt bằng tiếng Anh. Cụ thể, tên viết tắt bằng tiếng Anh của Ngân hàng Kiên Long sau bổ sung gồm: Kienlongbank và/hoặc KSBank./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục