Giá các mặt hàng thiết yếu tại Hàn Quốc tăng mạnh

08:28' - 06/11/2023
BNEWS Trong 10 tháng đầu năm nay, giá thực phẩm và đồ uống không cồn đã tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong khi tỷ lệ lạm phát giá tiêu dùng ở Hàn Quốc vượt mức 3% trong tháng thứ 3 liên tiếp thì giá thực phẩm và đồ uống không cồn đã tăng hơn 5% tính đến tháng 10 năm nay.

 

Nếu xu hướng này tiếp tục kéo dài đến cuối năm, các mặt hàng này sẽ có mức tăng hàng năm trên 5% trong 3 năm liên tiếp.

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê quốc gia Hàn Quốc công bố ngày 5/11, trong 10 tháng đầu năm nay, giá thực phẩm và đồ uống không cồn đã tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Đây là mức tăng trên 5% trong ba năm liên tiếp. Giá thực phẩm và đồ uống không cồn ở Hàn Quốc mức tăng hàng năm là 0% vào năm 2019, tăng 4,4% vào năm 2020 và sau đó tăng lần lượt 5,9% vào năm 2021 và 2022. Đây là lần đầu tiên kể từ giai đoạn 2009-2011, tỷ lệ lạm phát của các mặt hàng này vượt 5% trong 3 năm liên tiếp.

Nguyên nhân khiến giá thực phẩm và đồ uống không cồn không giảm được cho chủ yếu là do giá thực phẩm chế biến và các sản phẩm khác tăng do giá nguyên liệu thô quốc tế, bao gồm dầu thô và ngũ cốc, tăng.

Thời gian gần đây, với nhiệt độ bất thường, giá các loại rau củ quả ở Hàn Quốc cũng tăng theo. Viện Kinh tế Nông thôn Hàn Quốc dự đoán giá táo trong tháng 11 sẽ tăng tới 94% so với một năm trước.

Giá sữa trên thị trường cũng tăng mạnh nhất trong 14 năm. Tháng trước, giá sữa tăng 14,3% so với một năm trước. Đây là mức tăng lớn nhất trong 14 năm 2 tháng so với mức 20,7% của tháng 8/2009 ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Giá đường quốc tế tiếp tục tăng cao, làm tăng thêm gánh nặng giá lương thực. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), chỉ số giá đường tháng trước là 159,2.

Mặc dù đã giảm 2,2% so với tháng Chín nhưng chỉ số hiện tại, gần mức 160, vẫn ở mức cao. Mức  trung bình giá đường từ năm 2014 đến năm 2016 được đặt ở mức 100. Nếu giá đường tăng cao, áp lực tăng giá đồ ăn nhẹ và các loại bánh kẹo cũng sẽ tăng cao.

Giới phân tích chỉ ra rằng khi giá lương thực tiếp tục tăng cao, gánh nặng đối với đối tượng có thu nhập tương đối thấp ngày càng tăng.

Số liệu điều tra cho thấy, đối với 20% người có thu nhập thấp ở Hàn Quốc, 40% thu nhập khả dụng được dùng để chi tiêu cho thực phẩm. Vì thế, khi giá lương thực vẫn ở mức cao, gánh nặng đối với đời sống của tầng lớp thu nhập thấp càng nặng nề.

Trong khi đó số tiền chi cho thực phẩm của các hộ gia đình trong nhóm 20% thu nhập cao nhất chỉ bằng 15,6% thu nhập khả dụng.

Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc đã quyết định thành lập Lực lượng đặc nhiệm quản lý giá (TF) và chỉ định mỗi cá nhân phụ trách theo dõi từng mặt hàng trong số 7 mặt hàng thiết yếu gồm: mì ăn liền, bánh mì, đồ ăn nhẹ, cà phê, kem, đường và sữa nguyên liệu, nhằm điều tiết để quản lý giá.

Giáo sư Kim Jeong-sik thuộc Khoa Kinh tế tại Đại học Yonsei cho biết trong bối cảnh giá nguyên liệu thô tăng cao, chính phủ Hàn Quốc cần quản lý riêng giá của các sản phẩm có tác động đáng kể đến đời sống của người dân.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục