Giá dầu thế giới tăng gần 2% trong phiên 4/5

07:58' - 05/05/2021
BNEWS Triển vọng nhu cầu nhiên liệu đang tăng lên khi nhiều bang của Mỹ nới lỏng lệnh hạn chế đi lại và Liên minh châu Âu (EU) tìm cách thu hút thêm khách du lịch.

Giá dầu thế giới tăng gần 2% trong phiên 4/5 sau khi nhiều bang của Mỹ nới lỏng lệnh hạn chế đi lại và Liên minh châu Âu (EU) tìm cách thu hút thêm khách du lịch, dù tình hình dịch COVID-19 ở Ấn Độ vẫn phức tạp.

Phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn ở mức 68,88 USD/thùng, tăng 1,32 USD hay 1,95%. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 1,20 USD (tương đương 1,86%) lên 65,69 USD/thùng.

Theo các nhà giao dịch, giá các hợp đồng tương lai cũng tiếp tục tăng sau khi thị trường chính khép phiên vì Viện Dầu mỏ Mỹ (API) ước tính lượng dầu dự trữ của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến.

Số liệu từ API cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 7,7 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 30/4. Dự trữ xăng giảm 5,3 triệu thùng và dự trữ sản phẩm chưng cất giảm 3,5 triệu thùng vào cùng giai đoạn.

Số liệu thống kê hàng tuần của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ sẽ được công bố vào thứ Tư 5/5 (theo giờ địa phương).

Giới phân tích cho biết giá dầu đang được hỗ trợ nhờ triển vọng nhu cầu nhiên liệu tăng lên khi bang New York, New Jersey và Connecticut tìm cách giảm bớt các hạn chế phòng dịch. Việc EU có kế hoạch mở cửa cho du khách nước ngoài đã được tiêm chủng cũng tạo niềm tin cho các thị trường.

Trong khi đó tại Ấn Độ, tổng số ca mắc COVID-19 đã vượt qua con số 20 triệu và dự kiến sẽ ảnh hưởng mạnh tới nhu cầu nhiên liệu ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới.

Dù vậy, một báo cáo của công ty dịch vụ năng lượng Rystad cho biết những dự báo nhu cầu mạnh mẽ cho nửa sau của năm 2021 đang tạo tâm lý lạc quan cho các nhà giao dịch và thúc đẩy các đợt tăng giá. Chính những dự báo này không cho phép bất kỳ phản ứng tiêu cực mạnh mẽ nào nào kéo dài, ngay cả vào thời điểm khủng hoảng như tình hình gần đây ở Ấn Độ.

Cũng theo báo cáo, giá dầu có thể sẽ tăng trở lại lên khoảng 70 USD/thùng trong những tháng tới, trừ khi có một thay đổi chính sách khác của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác ngoài khối (còn gọi là nhóm OPEC+)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục