Giá dầu Brent chiều 17/1 tăng lên mức cao nhất trong hơn ba năm

16:08' - 17/01/2022
BNEWS Các nhà giao dịch cho biết “cơn sốt” mua dầu do nguồn cung thiếu hụt và dấu hiệu biến thể Omicron sẽ không gây ra tình trạng xáo trộn đối với nhu cầu nhiên liệu như lo ngại...
Giá dầu châu Á tăng trong phiên chiều 17/1, trong đó giá dầu Brent chạm mức cao nhất trong hơn ba năm, trong bối cảnh nhà đầu tư đặt cược nguồn cung sẽ vẫn thắt chặt giữa lúc sản lượng từ các nhà sản xuất lớn bị hạn chế và nhu cầu trên thế giới không ổn định do biến thể Omicron.

Vào lúc 13 giờ 41 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent biển Bắc tăng 40 xu Mỹ (0,5%) lên 86,46 USD/thùng. Trước đó cũng trong phiên này, giá dầu Brent biển Bắc đã có lúc chạm mức cao nhất kể từ ngày 3/10/2018 là 86,71 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 58 xu Mỹ (0,7%) lên 84,40 USD/thùng, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 10/11/2021 là 84,78 USD/thùng trước đó trong phiên này.

Đà tăng giá trong phiên này nới rộng mức tăng trong tuần trước đó khi giá dầu Brent tăng hơn 5%, còn dầu giá dầu WTI tăng hơn 6%.

Các nhà giao dịch cho biết “cơn sốt” mua dầu do nguồn cung thiếu hụt và dấu hiệu biến thể Omicron sẽ không gây ra tình trạng xáo trộn đối với nhu cầu nhiên liệu như lo ngại đã đẩy một số loại dầu thô lên mức cao nhất trong nhiều năm, cho thấy đà tăng của giá dầu Brent kỳ hạn có thể được duy trì thêm một thời gian nữa.

Nhà phân tích Toshitaka Tazawa thuộc công ty môi giới chứng khoán Fujitomi Securities Co Ltd (Nhật Bản) cho biết giá dầu tiếp tục tăng là do các nhà sản xuất dầu mỏ trong và ngoài Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), hay còn gọi là OPEC+, không cung ứng đủ để đáp ứng nhu cầu toàn cầu. Nếu các quỹ đầu tư tăng tỷ trọng phân bổ cho dầu thô, giá có thể đạt mức cao nhất đạt được trong năm 2014.

OPEC+ đang dần nới lỏng thỏa thuận cắt giảm sản lượng, vốn được triển khai khi nhu cầu sụt giảm năm 2020. Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất nhỏ hơn không thể tăng nguồn cung, còn một số nhà sản xuất khác cảnh giác với việc bơm quá nhiều dầu trong trường hợp dịch COVID-19 quay trở lại.

Trong khi đó, chuyên gia phân tích năng lượng Vandana Hari thuộc công ty nghiên cứu thị trường năng lượng Vanda Insights (Singapore) cho hay những bất ổn địa chính trị, mà có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn cung, cũng đang hỗ trợ cho đà tăng trên thị trường.

Bên cạnh đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô Mỹ đã giảm nhiều hơn dự kiến xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2018, tuy nhiên, dự trữ xăng đã tăng lên do nhu cầu yếu.

Nhà phân tích Tazawa của Fujitomi cho biết lo ngại về nguồn cung hạn chế đã “lấn át” thông tin về khả năng Trung Quốc sẽ “giải phóng” kho dự trữ dầu.

Hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) dẫn các nguồn tin cho hay Trung Quốc có kế hoạch “giải phóng” lượng dầu dự trữ trong khoảng thời gian nghỉ Tết Nguyên đán từ ngày 31/1 đến ngày 6/2 như một phần trong kế hoạch hợp tác với Mỹ và các nước tiêu thụ lớn khác để “hạ nhiệt” giá dầu toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục