Giá dầu châu Á bật tăng trong chiều 28/6

14:58' - 28/06/2023
BNEWS Vào lúc 13 giờ 26 phút (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent Biển Bắc tăng 34 xu Mỹ, lên 72,6 USD/thùng. Trong khi, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 26 xu Mỹ, lên 67,96 USD/thùng.

 

Giá dầu châu Á đi lên trong chiều 28/6, sau khi một số dữ liệu ngành được công bố cho thấy tồn kho dầu của Mỹ đã giảm nhiều hơn dự kiến, báo hiệu nhu cầu mạnh mẽ từ nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu đã bị hạn chế bởi lo ngại về việc lãi suất toàn cầu sẽ tiếp tục tăng.

Vào lúc 13 giờ 26 phút (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent Biển Bắc tăng 34 xu Mỹ, tương đương 0,47%, lên 72,6 USD/thùng. Trong khi, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 26 xu Mỹ, tương đương 0,38%, lên 67,96 USD/thùng.

 
Trong phiên giao dịch trước, giá của cả hai loại dầu này đã giảm khoảng 2,5% trong bối cảnh ngày càng có nhiều tín hiệu cho thấy các ngân hàng trung ương có thể chưa dừng chu kỳ tăng lãi suất. Chuyên gia Vandana Hari, nhà sáng lập công ty chuyên phân tích thị trường dầu mỏ Vanda Insights, cho biết sự giảm giá trong ngày 27/6 đã đưa dầu Brent Biển Bắc và dầu WTI tiến gần đến các mức giá hỗ trợ đã được giữ vững sau đợt giảm giá kéo dài trong vài tháng qua.

Giá dầu thô biến động trong phạm vi 10 USD/thùng trong gần 2 tháng qua. Với biên độ 2 tháng, các nhà phân tích nhận xét thị trường đang ở trạng thái "bù hoãn mua", dấu hiệu của một thị trường cân bằng hoặc dư cung nhẹ và thị trường vẫn kỳ vọng về lãi suất sẽ thay đổi.

Viện Dầu mỏ Mỹ (API) ước tính dự trữ dầu thô của nước này đã giảm khoảng 2,4 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 23/6, cao hơn đáng kể so với dự đoán giảm 1,76 triệu thùng mà các nhà kinh tế đã đưa ra trước đó. Dữ liệu chính thức của Washington về tổng kho dự trữ dầu sẽ được công bố ngày 28/6 (theo giờ địa phương).

Ngày 27/6, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde phát đi tín hiệu cho biết lạm phát cao dai dẳng sẽ buộc ECB cân nhắc tăng lãi suất. Lãi suất cao hơn có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế và nhu cầu dầu mỏ.

Tại Mỹ, niềm tin của người tiêu dùng đã tăng lên trong tháng 6/2023 cũng khiến thị trường lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất để kiểm chế lạm phát tăng.

Các nhà phân tích chuyên về mảng hàng hóa của ngân hàng National Australia Bank cho rằng thị trường sẽ thắt chặt vào nửa cuối năm 2023 do việc cắt giảm nguồn cung của Saudi Arabia, có hiệu lực từ tháng 7/2023. Động thái này sẽ hỗ trợ giá dầu tăng.

Bộ Năng lượng Nga mới đây cho biết nước này hiện không thiếu xăng ở thị trường trong nước, với việc các công ty đã cắt giảm xuất khẩu và tăng sản lượng sau khi hoàn thành dần công việc bảo trì theo kế hoạch. Bộ này cũng cho biết thêm sản lượng nhiên liệu diesel vào cuối tháng 6/2023 tăng cao hơn 2% so với cùng kỳ năm ngoái và nguồn dự trữ đang ở mức cao lịch sử.

Tại Trung Quốc, lợi nhuận hàng năm của các công ty công nghiệp đã kéo dài mức giảm hai con số trong 5 tháng đầu năm nay, do nhu cầu giảm gây ảnh hưởng tới lợi nhuận, củng cố hy vọng của các nhà giao dịch rằng Trung Quốc sẽ có thêm hỗ trợ chính sách, để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục