Giá dầu châu Á đi xuống phiên cuối tuần 17/7

17:10' - 17/07/2020
BNEWS Giá dầu tại thị trường châu Á đi xuống trong phiên giao dịch chiều ngày 17/7, do quan ngại ngày càng gia tăng về triển vọng phục hồi nhu cầu nhiên liệu toàn cầu.

Giá dầu tại thị trường châu Á đi xuống trong phiên giao dịch chiều ngày 17/7, do quan ngại ngày càng gia tăng về triển vọng phục hồi nhu cầu nhiên liệu toàn cầu, giữa bối cảnh số ca mắc mới dịch COVID-19 tăng cao tại một vài quốc gia, trong khi các nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt vừa lên kế hoạch nới lỏng mức cắt giảm sản lượng.

Chiều phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ WTI giảm 4 xu Mỹ (0,1%), xuống 40,71 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng hạ 11 xu Mỹ, tương đương 0,3%, xuống 43,26 USD/thùng.

Jeffrey Halley, chuyên gia phân tích thị trường thuộc OANDA, nhận định rằng, mặc dù giá dầu chững lại, song tình trạng này không tác động quá mạnh tới thị trường và không mở màn cho đà sụt giảm của giá dầu.

Ngày 16/7, nước Mỹ thông báo ghi nhận ít nhất 75.000 ca mắc COVID-19 mới, tiếp tục là mức tăng cao kỷ lục theo ngày. Tây Ban Nha và Australia cũng chứng kiến ngày có số ca nhiễm mới tăng cao nhất trong hơn hai tháng. Số ca nhiễm mới COVID-19 cũng tiếp tục tăng tại Ấn Độ và Brazil. Xu hướng này làm nhiều người lo ngại sẽ kéo chậm lại đà phục hồi của hoạt động tiêu thụ nhiên liệu, sau khi Mỹ và nhiều quốc gia khác đã dỡ bỏ các lệnh phong tỏa xã hội.

Phiên trước đó, giá cả hai loại dầu chủ chốt này đồng loạt giảm 1%, sau khi  Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh bao gồm cả Nga, còn gọi là OPEC+, đã nhất trí nới lỏng mức cắt giảm sản lượng từ tháng 8/2020, khi nền kinh tế toàn cầu từng bước phục hồi sau đại dịch COVID-19. OPEC+ hiện đang cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày kể từ tháng Năm, tương đương 10% nguồn cung toàn cầu, nhưng mức cắt giảm này sẽ chính thức giảm xuống 7,7 triệu thùng/ngày từ tháng 8 đến tháng 12/2020.

Giới phân tích dự báo giá dầu mỏ sẽ dao động quanh khoảng 40-45 USD/thùng , khi nguồn cung dầu của Mỹ có khả năng tăng trở lại và sự thiếu chắc chắn về nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu do các lệnh phong tỏa có thể được thiết lập lại nhằm hạn chế số ca mắc mới gia tăng./.

Minh Trang (Theo Reuters)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục