Giá dầu châu Á đi xuống trong phiên ngày 4/5

16:40' - 04/05/2018
BNEWS Giá dầu châu Á giảm nhẹ trong phiên ngày 4/5, sau khi tăng giá lúc đầu phiên dù cho thị trường vẫn lo ngại về khả năng Mỹ tái áp đặt trừng phạt lên Iran.

Giá dầu châu Á đi xuống trong phiên ngày 4/5. Ảnh: THX/TTXVN

Trên sàn giao dịch điện tử Singpore, lúc 14 giờ 19 phút (giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 15 xu Mỹ xuống 68,28 USD/thùng, song hợp đồng dầu này đang hướng đến mức tăng 0,3% trong tuần này.

Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc được giao dịch ở mức 73,37 USD/thùng, giảm 25 xu Mỹ (0,3%) so với mức đóng phiên trước đó, sau khi chạm mức “đỉnh” trong cùng phiên là 73,80 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent giao tháng 7/2018 được dự báo để mất 0,5% giá trị trong tuần này.

Chuyên gia phân tích kỹ thuật Wang Tao của hãng tin Reuters cho hay giá dầu có thể trở về mức hỗ trợ 72,39 USD/thùng sau khi tiến đến mức kháng cự 75,45 USD/thùng.

Giới đầu tư đã bày tỏ sự lo ngại về tình hình nguồn cung dầu thô sau khi Iran đưa ra lập trường cứng rắn đáp lại động thái từ phía Mỹ. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 3/5 nói rằng những yêu cầu của Mỹ về việc thay đổi thỏa thuận hạt nhân 2015 mà Iran ký với nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Mỹ cùng với Đức) năm 2015 - hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) là không thể chấp nhận được, giữa bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đặt thời hạn chót để các nước châu Âu soạn hiệp định bổ sung cho JCPOA là ngày 12/5 tới.

Trên trang YouTube, ông Zarif nhấn mạnh Iran sẽ không đàm phán lại hoặc sửa đổi những điều khoản đã được nhất trí trong các năm qua. Ông còn chỉ trích Mỹ liên tục vi phạm thỏa thuận hạt nhân khi cản trở các doanh nghiệp trở lại làm ăn tại Iran.

Trong khi đó, các cường quốc châu Âu vẫn muốn “trao cho Tổng thống Trump một cơ hội để cứu” thỏa thuận hạt nhân Iran vào tuần tới, song những nước này cũng đã bắt đầu “phối hợp” để bảo vệ quan hệ hợp tác kinh doanh giữa EU và Iran nếu Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận này.

Iran đã khôi phục vai trò là nước xuất khẩu dầu thô chính hồi tháng 1/2016 khi các lên trừng phạt quốc tế áp lên Tehhran được dỡ bỏ bỏ để đổi lại việc hạn chế chương trình hạt nhân.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục