Giá dầu châu Á giảm hơn 1 USD phiên sáng 28/11

10:29' - 28/11/2022
BNEWS Nhà quản lý Hiroyuki Kikukawa cho biết phạm vi giao dịch của dầu WTI dự kiến giảm xuống 70-75 USD/thùng, và thị trường có thể biến động mạnh tùy thuộc vào kết quả cuộc họp của OPEC+
Giá dầu châu Á giảm hơn 1 USD trong phiên sáng ngày 28/11 trong bối cảnh tâm lý lo ngại về các hạn chế dịch COVID-19 nghiêm ngặt tại nước nhập khẩu hàng dầu Trung Quốc đã làm dấy lên những lo ngại về nhu cầu.

 

Trong khi đó các nhà đầu tư vẫn thận trọng trước thỏa thuận về mức giá trần của phương Tây đối với dầu Nga và cuộc họp của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+.

Khoảng 8 giờ 10 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 1,01 USD (1,2%) xuống 82,62 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 1,09 USD (1,4%) xuống 75,19 USD/thùng.

Hai hợp đồng dầu chủ chốt này đã giảm trong tuần thứ ba liên tiếp, trong đó dầu Brent khép lại tuần gần nhất với mức giảm 4,6%, còn dầu WTI là 4,7%.

Hiroyuki Kikukawa, quản lý cấp cao của công ty môi giới chứng khoán Nissan Securities, cho hay bên cạnh những lo ngại ngày càng tăng về nhu cầu nhiên liệu suy giảm tại Trung Quốc do số ca mắc COVID-19 gia tăng và tâm lý bất ổn do các hạn chế dịch bệnh nghiêm ngặt đã thúc đẩy hoạt động bán ra.

Ông Kikukawa cho hay phạm vi giao dịch của dầu WTI dự kiến giảm xuống 70-75 USD/thùng, thêm vào đó thị trường có thể biến động mạnh tùy thuộc vào kết quả cuộc họp của OPEC+ trong tháng Mười Hai và mức trần giá dầu Nga mà Phương Tây đặt ra.

Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, đã bị mắc kẹt với chính sách "Zero COVID" của Chủ tịch Tập Cận Bình ngay cả khi nhiều nước trên thế giới đã dỡ bỏ hầu hết các hạn chế.

Trong khi đó, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và các nhà ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU) đã thảo luận về mức trần giá dầu của Nga từ 65-70 USD/thùng, với mục đích hạn chế doanh thu của nước này nhưng không làm gián đoạn thị trường thế giới.

Tuy nhiên, một cuộc họp của các đại diện chính phủ trong EU, dự kiến diễn ra vào tối 25/11 để thảo luận về vấn đề này, đã bị hủy. Mức giá trần sẽ có hiệu lực từ ngày 5/12 khi lệnh cấm của EU đối với dầu thô Nga có hiệu lực.

Các nhà đầu tư cũng đang hướng sự chú ý vào cuộc họp tiếp theo của OPEC+ vào ngày 4/12.

Trong tháng 10/2022, OPEC+ đã nhất trí giảm mục tiêu sản lượng khoảng 2 triệu thùng/ngày cho đến năm 2023./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục