Giá dầu châu Á giảm nhẹ trong phiên chiều 30/8

16:53' - 30/08/2021
BNEWS Giá dầu tại thị trường châu Á đảo chiều đi xuống trong phiên giao dịch chiều 30/8, rời khỏi mức cao nhất trong hơn ba tuần đạt được trong phiên giao dịch cuối tuần trước.

Giá dầu tại thị trường châu Á đảo chiều đi xuống trong phiên giao dịch chiều 30/8, rời khỏi mức cao nhất trong hơn ba tuần đạt được trong phiên giao dịch cuối tuần trước, khi cơn bão Ida rất mạnh đổ bộ vào bờ biển Vịnh Mexico của Mỹ buộc hàng trăm giàn khoan dầu ngoài khơi phải đóng cửa và sơ tán.


Trong phiên này, giá dầu Brent giảm 16 xu Mỹ (0,2%), xuống 72,54 USD/thùng, sau khi tăng hơn 11% trong tuần trước đó với những đồn đoán về sự gián đoạn hoạt động sản xuất dầu. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 49 xu Mỹ (0,7%), xuống 68,25 USD/thùng, sau khi tăng hơn 10% trong tuần trước.
Giá dầu Brent và WTI đã chạm mức cao nhất kể từ đầu tháng 8/2021, lần lượt là 73,69 USD/thùng và 69,64 USD/thùng vào đầu phiên này khi cơn bão Ida tiến vào bờ biển gần cảng Fourchon, Louisiana, một trung tâm của ngành công nghiệp năng lượng ngoài khơi của Vịnh Mexico, với tốc độ của một cơn bão cấp 4.
Vivek Dhar, nhà phân tích hàng hóa tại Commonweath Bank of Australia cho biết, hiện vẫn còn sớm để đánh giá được tác động của cơn bão Ida. Theo ông, các chế phẩm từ dầu như xăng và dầu diesel, có khả năng chứng kiến giá tăng mạnh hơn do các nhà máy lọc dầu ngừng hoạt động, đặc biệt nếu có khó khăn trong việc đưa các nhà máy lọc dầu và đường ống dẫn dầu hoạt động trở lại.
Giá xăng của Mỹ có thời điểm tăng hơn 3% do tình trạng mất điện, cộng thêm với việc đóng cửa nhà máy lọc dầu trên Vịnh Mexico. Các nhà phân tích cho biết, giá dầu thô quay đầu giảm vào cuối phiên là do dự đoán sản lượng dầu có khả năng phục hồi nhanh chóng sau bão Ida.
Ngày 29/8, các công ty năng lượng có giàn khoan tại Vịnh Mexico của Mỹ đã ngừng sản xuất hơn 95% sản lượng dầu, tương đương 1,74 triệu thùng/ngày, giữa bối cảnh cơn bão khi Ida hướng tới các giàn khoan và cơ sở hạ tầng khác. Cơ quan bảo vệ an toàn và môi trường kỹ nghệ khai thác năng lượng ngoài khơi Mỹ (BSEE) cho biết, các công ty dầu khí đã sơ tán 300 cơ sở hoạt động ngoài khơi và di chuyển 10 tàu khoan dầu ra khỏi nơi nguy hiểm.
Vịnh Mexico là nơi cung cấp khoảng 17% sản lượng dầu của cả nước Mỹ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục