Giá dầu châu Á giảm trong phiên 27/5 do lo ngại về nguồn cung từ Iran

17:53' - 27/05/2021
BNEWS Trong phiên 27/5 tại châu Á, giá dầu Brent giảm 42 xu Mỹ, hay 0,6%, xuống 68,45 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI giảm 35 xu Mỹ, hay 0,5%, xuống 65,86 USD/thùng.
Giá dầu tại châu Á giảm trong phiên 27/5, nhưng vẫn trong biên độ giao dịch kể từ đầu tuần, khi sự lạc quan về nhu cầu trong dịp nghỉ Hè tại Mỹ và châu Âu bù lại cho những lo ngại về nhu cầu tại Ấn Độ và nguồn cung bổ sung từ Iran.

Giá dầu Brent giảm 42 xu Mỹ, hay 0,6%, xuống 68,45 USD/thùng vào lúc 13 giờ 41 phút (theo giờ Việt Nam), sau khi tăng 22 xu Mỹ trong phiên trước. Giá dầu này nằm trong khoảng 68-69 USD/thùng trong gần như cả tuần.

Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 35 xu Mỹ, hay 0,5%, xuống 65,86 USD/thùng, sau khi tăng 14 xu Mỹ trong phiên trước, nhưng vẫn trong biên độ giao dịch của tuần này là 65-66 USD/thùng.

Người phụ trách tiền tệ và hàng hóa tại Axis Securities, Sunilkumar Katke, cho rằng hầu hết các hạn chế đi lại tại Khu vực sử dụng đồng euro đã được dỡ bỏ khi số ca mắc COVID-19 giảm, nhờ đó thúc đẩy nhu cầu. Tuy nhiên, sự gia tăng số ca mắc COVID-19 tại nhiều nước châu Á, trong đó có Ấn Độ và việc tăng cường phong tỏa đã hạn chế đà phục hồi của giá dầu. Việc dầu của Iran quay lại thị trường dầu thô quốc tế có thể mất nhiều thời gian hơn, một yếu tố đang giúp giá dầu vẫn ổn định trong ngắn hạn.

Theo các nhà phân tích của Citi, các thị trường vẫn hướng sự chú ý vào các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran cũng như việc liệu các biện pháp trừng phạt nhằm vào hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của nước này có được dỡ bỏ hoàn toàn hay không và nếu được dỡ bỏ thì sẽ là khi nào.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+, sẽ có cuộc họp vào ngày 1/6 để quyết định việc có thay đổi kế hoạch nới lỏng mức cắt giảm sản lượng trước khả năng Iran nối lại hoạt động xuất khẩu dầu hay không.

Citi nhận định OPEC+ sẽ vẫn thực hiện kế hoạch tăng sản lượng thêm 700.000 thùng/ngày vào tháng Sáu, nhưng việc tăng nguồn cung thêm 840.000 triệu thùng/ngày vào tháng Bảy có thể vẫn chưa chắc chắn.

Các nhà phân tích cho rằng nguồn cung từ Iran sẽ chỉ tăng dần, với JPMorgan ước tính nước này có thể xuất 500.000 thùng/ngày vào cuối năm nay và thêm 500.000 thùng/ngày vào tháng 8/2022.

Hiện có những lo ngại về nhu cầu đang giảm đi tại Ấn Độ, nước tiêu thụ lớn thứ ba thế giới. Tuy nhiên, nhà phân tích về hàng hóa tại Commonwealth Bank, Vivek Dhar, cho rằng mối lo ngại này sẽ không ảnh hưởng tới sự phục hồi nhu cầu trên toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục