Giá dầu châu Á không biến động nhiều trong phiên đầu tuần

15:33' - 03/09/2018
BNEWS Giá dầu châu Á khá ổn định trong phiên đầu tuần 3/9.
Nguồn cung dầu từ Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Mỹ gia tăng trong khi thị trường xuất hiện các lo lắng rằng sản lượng khai thác dầu của Iran giảm sẽ thắt chặt các thị trường một khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ có hiệu lực vào tháng 11/2018 là những nhân tố chính tác động đến thị trường trong phiên này.
Giá dầu châu Á không biến động nhiều trong phiên đầu tuần. Ảnh: Reuters
Vào lúc 13 giờ 51 phút giờ Việt Nam, tại Singapore, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn đứng ở mức 77,67 USD/thùng, tăng 3 xu Mỹ so với mức giá đóng cửa phiên trước. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn đứng ở mức 69,73 USD/thùng, giảm 7 xu so với mức giá đóng cửa phiên trước.
Kết quả thăm dò thực hiện bởi hãng tin Reuters chỉ ra rằng sản lượng khai thác “vàng đen” từ OPEC trong giai đoạn tháng 7 và tháng 8/2018 tăng 220.000 thùng dầu/ngày lên một mức cao của năm nay là 32,79 triệu thùng dầu/ngày.
Hãng dịch vụ năng lượng Baker Hughes ngày 31/8 cho biết Mỹ đã lần đầu tiên trong ba tuần tăng số lượng dàn khoan dầu. Hiện số lượng giàn khoan dầu tại nước này tăng 2 giàn khoan lên 862 giàn khoan. Số lượng giàn khoan dầu lớn đã giúp nâng sản lượng khai thác dầu của Mỹ hơn 30% từ giữa năm 2016, lên mức 11 triệu thùng dầu/ngày.
Nhận định về Iran – thành viên OPEC đang đối mặt với các biện pháp trừng phạt từ Mỹ, người đứng đầu mảng giao dịch tại châu Á-Thái Bình Dương thuộc OANDA Stephen Innes cho biết giá dầu Brent được hỗ trợ bởi quan điểm rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với xuất khẩu dầu của Iran cuối cùng sẽ co hẹp các thị trường, nhiều khả năng đẩy giá dầu lên cao. Sản lượng khai thác dầu của Iran hiện đang cho thấy các dấu hiệu của sự sụt giảm, giảm 150.000 thùng/ngày trong tháng trước, theo nhà phân tích hàng hóa Edward Bell tại ngân hàng Emirates NBD tại Dubai.
Nhiều nhà phân tích đã cảnh báo khả năng nền kinh tế tăng trưởng chậm lại bởi các tranh cãi thương mại giữa Mỹ và các nền kinh tế lớn khác trong đó có Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) sẽ đẩy lùi nhu cầu đối với dầu. Song chuyên gia Innes từ OANDA cho biết còn quá sớm để khẳng định liệu một nền kinh tế giảm tốc có tác động nghiêm trọng đến giá dầu hay không.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục