Giá dầu châu Á phục hồi sau khi giảm mạnh trong phiên trước

16:48' - 03/07/2019
BNEWS Trong phiên giao dịch chiều 3/7, giá dầu tại thị trường châu Á đi lên, sau khi giảm mạnh trong phiên trước đó, nhờ quyết định gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất dầu chủ chốt.
Giá dầu châu Á phục hồi sau khi giảm mạnh trong phiên trước. Ảnh: AFP/ TTXVN

Bên cạnh đó, giá mặt hàng này còn nhận được hỗ trợ bởi thống kê cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến.

Vào lúc 13 giờ 13 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao tháng 9/2019 tăng 12 xu Mỹ (0,2%) lên 62,52 USD/thùng; còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ giao tháng 8/2019 tăng 16 xu Mỹ (0,3%) lên 56,41 USD/thùng. Trong phiên 2/7, giá cả hai mặt hàng này đều giảm hơn 4%, do lo ngại về sự giảm tốc của kinh tế thế giới.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác ngoài OPEC trong đó đứng đầu là Nga, hay còn được gọi là OPEC+, ngày 2/7 đã nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu tới tháng 3/2020. Đây là động thái không nằm ngoài dự đoán khi trước đó một ngày các thành viên OPEC cũng đã thống nhất gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng theo thời hạn trên.

Amarpreet Singh, nhà phân tích thuộc Barclays Commodities Research, nhận định cuộc họp của OPEC+ cho thấy sự gắn bó giữa các nước thành viên trong thời kỳ khó khăn khi triển vọng nhu cầu suy yếu và nhằm hướng tới một thị trường dầu cân bằng hơn. Điều này đã hỗ trợ giá dầu, ngay cả khi thị trường vẫn tập trung vào các tín hiệu vĩ mô yếu.

Trước khi số liệu chính thức của chính phủ được công bố vào cuối ngày 3/7, Viện Dầu khí Mỹ (API) cho biết, kho dự trữ dầu của Mỹ đã giảm 5 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn mức dự báo 3 triệu thùng.

Theo các nhà phân tích từ Citi Research, thỏa thuận gia hạn chương trình cắt giảm sản lượng dầu thô của OPEC + trong chín tháng sẽ giúp giảm lượng dầu tồn kho trong nửa cuối năm nay và đẩy giá dầu lên. Tuy nhiên, các dấu hiệu cho thấy suy giảm kinh tế toàn cầu có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ, khiến các nhà đầu tư lo lắng, sau khi các chỉ số sản xuất toàn cầu gây thất vọng và Mỹ lại “đe dọa”  EU bằng thuế quan.

Barclays dự đoán nhu cầu tiêu thụ “vàng đen”sẽ tăng với tốc độ chậm nhất kể từ năm 2011 với mức tăng chưa tới 1 triệu thùng/ngày trong năm nay. Trong khi đó, Morgan Stanley hạ dự báo giá Brent trong dài hạn từ 65 USD/thùng xuống 60 USD/thùng, đồng thời dự báo thị trường dầu sẽ cân bằng trong năm 2019.

Đà tăng của giá dầu cũng bị giới hạn bởi dấu hiệu phục hồi xuất khẩu dầu từ Venezuela trong tháng Sáu và tăng trưởng trong sản xuất dầu ở Argentina trong tháng Năm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục