Giá dầu châu Á tiếp tục tăng trong phiên chiều 3/3

17:13' - 03/03/2020
BNEWS Giá dầu châu Á tiếp tục tăng trong chiều 3/3, với kỳ vọng các ngân ngân hàng trung ương sẽ đưa ra biện pháp bù đắp tác động của dịch COVID-19 cùng với kỳ vọng OPEC cắt giảm sản lượng hơn nữa
Giá dầu châu Á tiếp tục đi lên trong phiên chiều 3/3. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong phiên giao dịch chiều 3/3, giá dầu châu Á tiếp tục tăng, giữa lúc thị trường kỳ vọng các ngân ngân hàng trung ương sẽ đưa ra các biện pháp kích thích tài chính để bù đắp cho những tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và giới giao dịch ngày càng lạc quan về khả năng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ cắt giảm sản lượng sâu hơn trong tuần này.

Vào lúc 14 giờ 56 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng 56 xu (hay 1,1%) lên 52,46 USD/thùng. Giá dầu Mỹ (WTI) giao kỳ hạn phiên này tăng 71 xu (1,5%) lên 47,46 USD/thùng. Trước đó trong cùng phiên, giá hai loại dầu này đều tăng hơn 3%.

Giá dầu Brent và WTI đã phục hồi phần nào trong hai phiên gần đây sau khi giảm hơn 20% so với mức “đỉnh” của năm 2020 được thiết lập trong tháng 1/2020, bởi trước đó có những tín hiệu mới cho thấy dịch COVID-19 sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu.

Edward Moya, chuyên gia phân tích cao cấp của OANDA, cho rằng giá dầu mỏ phục hồi sau khi các nền kinh tế chủ chốt phát đi tín hiệu họ sẽ phối hợp hành động để ứng phó với tác động kinh tế của dịch COVID-19, trong bối cảnh Nga dường như đồng ý cắt giảm sản lượng sâu hơn trong cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 5-6/3.

Một số thành viên chủ chốt của OPEC đang cân nhắc khả năng cắt giảm sản lượng sâu hơn trong quý II/2020, giữa bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại dịch COVID-19 sẽ làm giảm nhu cầu đối với dầu. Các nước thành viên OPEC trước đó đưa ra đề xuất cắt giảm sản lượng thêm 600.000 thùng dầu/ngày.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Pháp Le Maire cho hay các bộ trưởng tài chính Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ tiến hành cuộc họp trong tuần này để thảo luận các biện pháp phối hợp hành động nhằm giảm thiểu tác động của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức và làm chao đảo các thị trường toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục