Giá dầu có xu hướng phục hồi, PVN vẫn chưa hết khó

10:20' - 13/10/2017
BNEWS Giá dầu thế giới đã có xu hướng phục hồi nhưng khó khăn với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vẫn chưa phải đã hết, đòi hỏi PVN tiếp tục phải có những giải pháp thích ứng hiệu quả.
Hoạt động khai thác dầu thô của PVN tại giàn công nghệ trung tâm mỏ Bạch Hổ. Ảnh: PVN

Thị trường dầu mỏ thế giới đã có dấu hiệu cân bằng trở lại với giá dầu ngày 11/10 đạt trên 51 USD/thùng nhưng những thách thức với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vẫn còn ở phía trước.

Chưa thể mừng khi giá dầu tăng

Giá dầu thế giới tiếp tục tăng trong phiên 11/10 và là phiên tăng thứ ba liên tiếp kể từ đầu tháng 10 tới nay. Theo đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) trong tháng 11/2017 tăng 0,38 USD, lên 51,30 USD/thùng; còn giá dầu Brent giao tháng 12/2017 tăng 0,33 USD, lên 56,94 USD/thùng.

Theo Tiến sỹ Trần Ngọc Toản (Hội Dầu khí Việt Nam), thị trường dầu mỏ thế giới đang có xu hướng cân bằng cung cầu trở lại nhờ cam kết cắt giảm sản lượng của các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước ngoài OPEC.

Tuy nhiên, dự báo của nhiều tổ chức thế giới cho thấy giá dầu sẽ vẫn chỉ loanh quanh ở ngưỡng trên 50 USD/thùng trong năm 2017-2018 và khó có thể quay về thời kỳ hoàng kim ở mức 100-120 USD/thùng như giai đoạn từ tháng 1/2010-6/2014 trước đây, ông Toản chỉ rõ.

Theo dự báo mới nhất của ngân hàng Barclays, giá dầu bình quân thế giới năm 2017 chỉ ở mức bình quân 53 USD/thùng; còn giá dầu năm 2018 sẽ dao động từ mức từ 48-56 USD/thùng.

Nguyên nhân là do nền kinh tế thế giới vẫn chưa thoát khỏi suy thoái nên nhu cầu tiêu thụ nguồn năng lượng này ngay cả ở các nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn chưa cao.

Trong khi đó, báo cáo mới nhất của OPEC trong tháng 9 cho quy định giới hạn sản lượng khai thác dầu khí đã được thiết lập từ cuối năm 2016 giữa các nước thành viên và các nước ngoài OPEC vẫn bị vi phạm khiến nguồn cung dầu thô tiếp tục tăng.

Ngoài ra, có một thực tế là nhiều nước trên thế giới đang ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo thay thế dần nhiên liệu hóa thạch để bảo vệ môi trường khiến cho vai trò của mặt hàng dầu khí suy yếu nhanh hơn dự báo trước đây.

Theo chuyên gia Lê Việt Trung, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và quản lý dầu khí, nếu so sánh với giá dầu ở mức ổn định từ 100-120 USD/thùng trong giai đoạn từ tháng 1/2010-6/2014 thì mức giá dầu phục hồi như hiện nay vẫn sẽ tác động bất lợi với PVN.

"Liêu xiêu” vì giá dầu giảm

Báo cáo kết quả kinh doanh của PVN trong 3 năm gần đây cho thấy, doanh thu toàn Tập đoàn đã giảm từ mức hơn 745.000 tỷ đồng (năm 2014) xuống còn khoảng 560.000 tỷ đồng (năm 2015) và tụt xuống 452.500 tỷ đồng (năm 2016).

Theo Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn, thách thức lớn nhất hiện nay của Tập đoàn là tài chính sụt giảm khi dầu mất giá. Trong khi đó, việc khai thác dầu khí xa bờ có chi phí lớn hơn nhiều so với khai thác trong đất liền nên với giá dầu ở mức thấp như hiện nay, PVN gặp nhiều khó khăn trong đảm bảo mức hoà vốn tại nhiều mỏ như: Đại Hùng, Sông Đốc, Hải Sư Đen - Hải Sư Trắng, Nam Rồng - Đồi Mồi, Thăng Long - Đông Đô, Ruby - Pearl.

Thêm vào đó, với giá dầu sụt giảm như 2 năm vừa qua, Quỹ tìm kiếm thăm dò dầu khí của PVN thực sự eo hẹp khiến hoạt động cốt lõi nhất này của PVN ngày càng khó khăn, nhất là khi phải tiến ra vùng nước sâu, xa bờ, tốn kém và rủi ro cao hơn nhiều.

Tại cuộc họp hồi tháng 7 vừa qua với Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn cho biết, việc khai thác dầu khí hiện nay đang "ăn" vào tương lai bởi sản lượng khai thác cao hơn nhiều so với tìm kiếm thăm dò.

Vì vậy, nếu công tác thăm dò dầu khí, gia tăng trữ lượng không được cấp tập bổ sung thì chỉ trong vòng từ 5-7 năm nữa, sản lượng khai thác dầu khí sẽ xuống dốc và có thể chỉ còn 5 triệu tấn/năm so với hiện nay là hơn 13 triệu tấn/năm.

Giàn khoan dầu khí tại mỏ Rạng Đông. Ảnh: PVN

Tập trung hạ giá thành khai thác

Trong bối cảnh giá dầu theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế vẫn chưa thể tăng mạnh trước năm 2020, nhiều công ty dầu khí quốc tế đã chủ động triển khai quyết liệt các biện pháp tiết giảm chi phí hoạt động, cải tiến công nghệ để hạ giá thành khai thác và sản xuất dầu khí so với trước đây.

Báo cáo của OPEC cho thấy, chi phí khai thác dầu thô bình quân của các nước sản xuất dầu lớn đều thấp hơn 40 USD/thùng; trong đó Kuwait là nước sản xuất dầu với chi thấp nhất thế giới là 8,5 USD/thùng.

Trong khi đó, với đặc thù hoạt động khai thác dầu khí của PVN ngày càng xa bờ, khai thác các mỏ nhỏ và ở vùng nước sâu như hiện nay, giá hòa vốn trong khai thác dầu thô của Tập đoàn hiện ở mức 45 USD/thùng.

Vì vậy, để "chung sống" được với biến động khôn lường của giá dầu thế giới, việc áp dụng các giải pháp để hạ giá thành khai thác chính là giải pháp tiên quyết, Tiến sỹ Trần Ngọc Toản (Hội Dầu khí Việt Nam) chỉ rõ.

Theo ông Toản, PVN có đặc thù gần giống với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Malaysia (Petronas) nên cần tham khảo các giải pháp đồng bộ mà Petronas đang áp dụng trong xử lý tác động của giá dầu thấp.

Theo đó, Petronas đang ưu tiên vào phát triển khoa học công nghệ dầu khí hiện đại để gia tăng giá trị dịch vụ. Năm 2016, Petronas đã xuất xưởng lần đầu tiên trên thế giới thiết bị hóa lỏng khí đốt nổi (PFLNG Satu) có khả năng phục vụ khai thác các mỏ khí biển ở các vùng xa xôi, hẻo lánh, tránh được các tốn kém do phải xây dựng các đường ống dẫn khí ngầm dưới biển, giúp giảm giá thành khai thác ở các mỏ không có trữ lượng lớn.

Bên cạnh đó, Petronas quyết liệt thực hiện tái cơ cấu, giảm biên chế, nhất là trong đội ngũ quản lý. Năm 2016, lãnh đạo Tập đoàn Petronas chỉ còn 1 tổng giám đốc và 2 phó tổng giám đốc. Trong giai đoạn giá dầu dưới 50 USD/thùng, Petronas đã cắt chi phí đầu tư và chi phí điều hành đến gần 30%.

Ông Toản khẳng định, giải pháp nâng cao chất lượng công nghệ - kỹ thuật - quản lý - phát triển nhân lực và tiết kiệm cần được PVN coi trọng hàng đầu đồng thời chuẩn bị tất cả các điều kiện để cất cánh sau khi kinh tế thế giới ra khỏi khủng hoảng.

Theo Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn, trong điều kiện giá dầu vẫn ở ngưỡng thấp, PVN đang quyết liệt thực hiện kế hoạch tìm kiếm thăm dò đối với các dự án khả thi, rủi ro thấp trên cơ sở tranh thủ giá dịch vụ dầu khí giảm để triển khai đầu tư các dự án được đánh giá tốt, đảm bảo gia tăng đủ trữ lượng chuẩn bị đưa các mỏ vào khai thác trong năm 2018 và những năm tiếp theo khi giá dầu phục hồi trở lại.

Bên cạnh đó, PVN cũng tối ưu hóa hoạt động và hợp lý hóa chế độ khai thác của từng giếng khoan tại các mỏ để đảm bảo hài hòa sản lượng, an toàn mỏ và hiệu quả khai thác.

Đặc biệt, PVN đang thực hiện hiệu quả kế hoạch cắt giảm các chi phí hoạt động từ 10-20% ở tập đoàn và các đơn vị thành viên tập đoàn.

Ngoài ra, để đảm bảo cân đối tài chính, PVN đang đẩy nhanh tiến độ các dự án nhằm hạn chế việc phát sinh chi phí cũng như tăng tối đa sản xuất chế biến các sản phẩm thế mạnh của tập đoàn như xăng dầu, sản xuất điện, đạm nhằm bù đắp cho doanh thu.

Nguyên Chủ tịch Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, tiền thân của Tập đoàn ngày nay, ông Hồ Sỹ Thoảng cho biết, khó khăn mà PVN hiện đang gặp phải liên quan giá dầu xuống thấp thì ngành dầu khí Việt Nam cũng đã trải qua vào cuối những năm 90. Khi đó, giá dầu có những lúc đã xuống đến 9 – 10 USD/thùng và nhiều công ty dầu khí quy mô nhỏ trên thế giới đã phải phá sản.

Khủng hoảng giá dầu lúc đó đã khiến nguồn thu từ khai thác dầu của Nhà nước và của PVN sụt giảm nghiêm trọng, nhiều hoạt động dịch vụ bị ngưng trệ. Tuy nhiên, tập thể lãnh đạo và người lao động dầu khí khi đó đã đoàn kết, đồng lòng, triển khai những giải pháp đối phó hữu hiệu vượt qua khủng hoảng, ông Hồ Sỹ Thoảng nhấn mạnh.

Theo kế hoạch được PVN công bố trên phương án giá dầu bình quân 50 USD/thùng, doanh thu toàn Tập đoàn trong năm 2017 sẽ đạt khoảng 437.000 tỷ đồng, tiếp tục thấp hơn 3 năm trước đó./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục