Giá dầu gần như ổn định khi nhà đầu tư đánh giá những sức ép đối với nhu cầu

16:48' - 21/10/2019
BNEWS Giá dầu Brent kỳ hạn giảm 1 xu Mỹ xuống 59,41 USD/thùng trong phiên 21/10 tại châu Á, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ West Texas Intermediate kỳ hạn của Mỹ giảm 2 xu Mỹ xuống 53,76 USD/thùng.
Giá dầu gần như ổn định khi nhà đầu tư đánh giá những sức ép đối với nhu cầu. Ảnh: TTXVN
Giá dầu châu Á gần như ổn định trong phiên 21/10 tại châu Á, phục hồi phần nào đà giảm vào đầu phiên, khi các nhà đầu tư đánh giá những sức ép đối với kinh tế toàn cầu, điều có thể sẽ tác động đến nhu cầu.

Giá dầu Brent kỳ hạn giảm 1 xu Mỹ xuống 59,41 USD/thùng vào lúc 13 giờ 48 phút (theo giờ Việt Nam). Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ West Texas Intermediate kỳ hạn của Mỹ giảm 2 xu Mỹ xuống 53,76 USD/thùng.

Những dấu hiệu cho thấy nguồn cung trên toàn cầu vẫn dồi dào kết hợp với những lo ngại về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã gây sức ép khiến giá dầu giảm trong phiên này là phiên thứ hai.

Nhà phân tích thị trường thuộc CMC Markets, Margaret Yang, cho rằng việc giá dầu giảm cho thấy sự lo ngại về nhu cầu năng lượng của toàn cầu, khi lĩnh vực chế tạo chậm lại.

Nga, nước sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới, ngày 20/10 cho biết nước này đã không thực hiện được cam kết giảm nguồn cung trong tháng Chín, do việc tăng sản lượng khí ngưng tụ để chuẩn bị cho mùa Đông.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Nga và các nước sản xuất dầu khác, được gọi là OPEC+, tháng 12/2018 đã nhất trí giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày từ đầu năm nay.

Thêm vào đó, các cuộc đàm phán giữa các nước thành viên OPEC là Kuwait và Saudi Arabia để tái khởi động việc khai thác tại các mỏ chung nằm giữa hai nước, với công suất 500.000 thùng/ngày, có thể đưa thêm dầu trở lại thị trường.

Các nhà giao dịch cho rằng OPEC+ có thể quyết định gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng tại cuộc họp vào tháng 12 tới, nhưng những trở ngại về kinh tế đang gây ra những lo ngại về nhu cầu dầu.

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã giảm tốc xuống mức 6% trong quý III, mức thấp nhất trong 27 năm rưỡi và thấp hơn mức dự báo do sản lượng công nghiệp yếu và những căng thẳng thương mại tiếp tục.

Theo nhà phân tích Benjamin Lu thuộc Phillip Futures, các chính sách cắt giảm sản lượng mà OPEC dẫn đầu mặc dù đang hỗ trợ giá dầu nhưng khó khăn hơn do các thị trường tập trung vào những lo ngại dai dẳng về nhu cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục