Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ rời xa vùng âm phiên chiều 21/4

16:12' - 21/04/2020
BNEWS Trung tâm dự trữ dầu chính của Mỹ tại Cushing, Oklahoma, dự kiến sẽ đầy ắp trong vòng vài tuần.
Bước sang phiên giao dịch chiều ngày 21/4 trên thị trường châu Á, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đã bật tăng trở lại vùng dương sau khi giảm xuống dưới mức 0 USD/thùng lần đầu tiên trong lịch sử vào phiên 20/4. Trong khi đó, dầu Brent vẫn giảm trong bối cảnh cuộc khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã làm giảm đáng kể nhu cầu "vàng đen".

   
Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ rời xa vùng âm phiên chiều 21/4. Ảnh minh hoạ: TTXVN phát

Vào lúc 13 giờ 22 phút (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI giao tháng 5/2020 đã tăng 38,99 USD/thùng lên 1,36 USD/thùng sau khi để mất tới 37,63 USD/thùng trong phiên trước đó. Hợp đồng dầu giao tháng 5/2020 hết hạn vào ngày 21/4, còn hợp đồng giao tháng 6/2020 tăng 94 xu Mỹ (4,6%) lên 21,37 USD/thùng. Giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 6/2020 giảm 48 xu Mỹ (1,9%) xuống 25,09 USD/thùng.

Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao thuộc công ty môi giới OANDA, nhận định hợp đồng dầu thô WTI giao tháng Sáu có thể giữ ở mức 20 USD/thùng và chứng kiến mức tăng khiêm tốn sau sự sụt giảm khủng khiếp của hợp đồng tháng 5/2020.

Giá dầu đã giảm trong bối cảnh các hạn chế đi lại và lệnh phong toả nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 đã làm hạn chế sử dụng nhiên liệu toàn cầu, trong đó nhu cầu giảm 30% trên toàn thế giới. Điều đó đã dẫn đến việc dự trữ dầu thô ngày càng tăng và việc tìm kiếm nơi lưu trữ trở nên khó khăn hơn.

Trung tâm dự trữ dầu chính của Mỹ tại Cushing, Oklahoma, dự kiến sẽ đầy ắp trong vòng vài tuần.

Sau sự lao dốc của giá dầu, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/4 cho hay Chính phủ Mỹ đang cân nhắc ngừng nhập khẩu dầu thô của Saudi Arabia như là cách để hỗ trợ ngành khai thác dầu Mỹ.

Đối mặt với tình hình này, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, trong đó có Nga, hay còn gọi là OPEC+, đã nhất trí cắt giảm sản lượng khoảng 9,7 triệu thùng/ngày, song thoả thuận này không diễn ra trước tháng 5/2020, và quy mô cắt giảm được cho là không đủ lớn để khôi phục sự cân bằng của thị trường.

Trong khi đó, theo khảo sát của 5 nhà phân tích thuộc hãng tin Reuters, dự trữ dầu thô của Mỹ dự kiến sẽ tăng khoảng 16,1 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 17/4 sau khi ghi nhận mức "tích trữ" lớn nhất của một tuần trong lịch sử, còn dự trữ xăng dự kiến tăng 3,7 triệu thùng.

Viện Xăng dầu Mỹ dự kiến sẽ công bố số liệu dầu mỏ vào ngày 21/4 và báo cáo hàng tuần của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ sẽ được công bố trong ngày 22/4./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục