Giá dầu tăng có là trở ngại với kinh tế Mỹ?

13:26' - 22/09/2018
BNEWS Năng lực sản xuất dầu vừa được khơi dậy trở lại của nước Mỹ đang làm đảo lộn những ý niệm cũ về tác động của sự gia tăng giá dầu đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Giá dầu đã tăng gần 40% trong năm qua. Ảnh: Venezuelanalysis.com

Lâu nay người ta vẫn cho rằng giá dầu tăng sẽ làm tổn thương nền kinh tế vì nó khiến người tiêu dùng tốn thêm chi phí cho xăng và việc sưởi ấm trong nhà, từ đó cắt giảm các khoản chi khác. Vì năng lượng chỉ chiếm khoảng 3% chi tiêu tiêu dùng, nên một sự cắt giảm chi tiêu ở 97% còn lại sẽ gây thiệt hại cho những doanh nghiệp bán ô tô, nhà hàng, các hãng hàng không, khu nghỉ dưỡng và tất cả lĩnh vực của nền kinh tế.
Giá dầu đã tăng gần 40% trong năm qua. Thế nhưng, kinh tế Mỹ lại ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong gần bốn năm trong quý II vừa qua.
Mối quan hệ giữa giá dầu và nền kinh tế nói chung chuyển động theo hướng ngược lại như vậy mới chỉ xuất hiện ba năm trước đây, khi mà giá dầu sụt giảm được dự đoán sẽ thúc đẩy nền kinh tế, nhưng tăng trưởng GDP chậm lại khi giá dầu liên tục ở mức thấp trong suốt năm 2015.
Mỹ vẫn đang nhập khẩu trung bình khoảng 6 triệu thùng dầu/ngày, nhưng so với lượng dầu nhập khẩu hơn 10 triệu thùng/ngày 10 năm trước thì con số này vẫn còn khiêm tốn. Cùng lúc đó, sản lượng dầu của Mỹ đã tăng gấp đôi lên hơn 10 triệu thùng/ngày, theo số liệu chính phủ. Chuyên gia Michael Maher của Đại học Rice University cho rằng vì sản lượng dầu của Mỹ hiện đang cao hơn rất nhiều so với trước đây, nên sự gia tăng giá dầu sẽ không có ảnh hưởng lớn như 10 hay 20 năm trước.
Khi giá dầu bắt đầu lao dốc vào giữa năm 2014, các công ty năng lượng Mỹ thu hẹp hoạt động khai thác, cắt giảm hàng ngàn công việc và chi ít hơn cho giàn khoan, đường ống thép và xe chuyên chở để vận chuyển dầu đến các nhà máy lọc dầu. Chính điều này một phần đã khiến cho nền kinh tế khó đạt được đà tăng trưởng cao hơn nhờ giá dầu giảm mà giới chuyên gia dự đoán.
Còn giờ đây, khi giá dầu đang trên đà tăng lên, các công ty năng lượng đang thúc đẩy hoạt động sản xuất, từ đó tạo ra một sự kích thích kinh tế dường như đang lấn át những tác động tiêu cực của giá dầu tăng đối với người tiêu dùng. Các hoạt động đầu tư liên quan đến xăng dầu chiếm khoảng 40% tăng trưởng của đầu tư doanh nghiệp trong quý II năm nay.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) mới đây nói rằng Mỹ có thể sẽ lấy lại vị trí quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới trong năm nay khi sản lượng dầu đã đã vượt Saudi Arabia (A-rập Xê-út) hồi tháng Hai vừa qua và được dự đoán sẽ vươn lên dẫn trước Nga trong mùa Hè này.

Nếu dự đoán trên của EIA là đúng thì đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 1973 Mỹ leo lên vị trí dẫn đầu thế giới về sản xuất dầu. Và điều này sẽ khiến cho tác động của giá dầu đối với nền kinh tế trở thành một bài toán phức tạp hơn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục