Giá dầu thế giới ghi nhận tuần giảm thứ hai liên tiếp

13:13' - 14/07/2018
BNEWS Mặc dù chứng kiến bốn phiên tăng giá trong tuần, giá dầu thế giới vẫn ghi nhận tuần giảm thứ hai liên tiếp, do một phiên sụt mạnh giữa bối cảnh các cảng của Libya mở cửa trở lại.
Giá dầu thế giới ghi nhận tuần giảm thứ hai liên tiếp. Ảnh minh họa: Huy Hùng-TTXVN

Tính chung cả tuần, giá dầu Brent giảm 2,7%, còn giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) giảm 3,9%.

Trong phiên giao dịch đầu tuần (9/7), giá dầu đi lên trước dự đoán tình trạng gián đoạn sản xuất dầu mỏ ở Canada kéo dài tới tháng Chín cùng với lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và sản lượng khai thác sụt giảm ở Libya.

Giá dầu tiếp tục tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 10/7, sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố báo cáo triển vọng năng lượng ngắn hạn. Cũng theo cơ quan này, dự trữ dầu mỏ của Mỹ trong tuần trước đó đã giảm 12,6 triệu thùng xuống còn 405,2 triệu thùng, ghi dấu mức sụt giảm hàng tuần lớn nhất trong gần hai năm.

Tuy nhiên, đến phiên giao dịch ngày 11/7, giá dầu giảm mạnh sau khi Tổng Công ty Dầu mỏ quốc gia Libya (NOC) mở lại hoạt động tại bốn cảng dầu của nước này. NOC cho biết hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu từ các cảng này sẽ sớm trở lại bình thường.

Sản lượng dầu mỏ của Libya đã giảm xuống 527.000 thùng/ngày so với mức 1,28 triệu thùng/ngày trong tháng 2/2018 sau khi cảng trên phải đóng cửa.

Chốt phiên này, giá dầu WTI giao tháng 8/2018 giảm 3,73 USD xuống 70,38 USD/thùng; giá dầu Brent giao tháng 9/2018 cũng giảm 5,46 USD (6,9%), mức giảm mạnh nhất trong hai năm qua xuống còn 73,40 USD/thùng.

Sang phiên 12/7, giá dầu Brent tăng hơn 1 USD/thùng, nhờ hoạt động mua vào của giới đầu tư sau khi giá sụt giảm mạnh trong phiên trước đó.

Bên cạnh đó, theo ông John Kilduff, một đối tác tại Again Capital Management, mối lo về tình trạng gián đoạn nguồn cung tại Venezuela - một thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) – cũng hỗ trợ giá dầu trong phiên này.

Đến phiên cuối tuần (13/7), giá dầu nối tiếp đà tăng, giữa những lo ngại rằng các cuộc đình công trong ngành dầu khí tại Na Uy và Iraq có thể tác động đến nguồn cung. Chốt phiên này, giá dầu Brent tăng 88 xu Mỹ lên 75,33 USD/thùng; còn giá dầu WTI tăng 68 xu Mỹ lên 71,01 USD/thùng.

Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý mối lo rằng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng kiềm giữ hoạt động mua vào dầu mỏ của giới đầu tư.

Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Nga, Alexander Novak, cho biết nước này và các nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới khác có thể gia tăng sản lượng trong trường hợp nguồn cung thiếu hụt.

Trong tháng Sáu, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đã giảm tháng thứ hai liên liếp xuống mức thấp nhất kể từ tháng Mười Hai, giữa bối cảnh sự sụt giảm lợi nhuận và tình trạng biến động của giá dầu khiến một số nhà lọc dầu giảm lượng mua dầu.

Trong một báo cáo, EIA dự báo giá dầu Brent sẽ ở mức trung bình 73 USD/thùng trong nửa cuối năm 2018 và sẽ giảm xuống 69 USD/thùng vào năm 2019.

Cơ quan này cũng ước tính sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ đạt trung bình 10,8 triệu thùng/ngày trong năm 2018, tăng so với mức 9,4 triệu thùng/ngày trong năm 2017 và tiếp tục tăng lên 11,8 triệu thùng/ngày vào năm 2019./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục